Nhà thiết kế Quasar Khanh: Kiến trúc sư của không khí

“Quasar Khanh là nhà thiết kế biểu tượng cho văn hóa Pop vào cuối thập niên 1960 và là một trong những nhân vật biểu trưng nhất của thế hệ này”.

Đó là nhận định được nhìn lại sau nửa thế kỷ về công trạng của kỹ sư và nhà thiết kế huyền thoại Quasar Khanh qua những lời trân trọng của Jacques Séguéla (ông trùm quảng cáo đa quốc gia Havas của Pháp).

Trong độ tuổi 30, Quasar đã “chế tạo” ra thẩm mỹ cho thời kỳ 60-70 trong vai trò nhà phát minh của khoa học ứng dụng và nhà thiết kế. Sáng tạo của ông rất nhiều và đa dạng trong các lĩnh vực thiết kế, tàu, hàng không, kiến trúc, xe hơi, đồ nội thất và thời trang.

Thậm chí, về vật lý thực nghiệm, ông được xem là “đối thủ của Einstein”, suốt mấy chục năm, ông thách thức lý thuyết tương đối của Einstein, qua phúc trình trên tạp chí Nature và những đề xuất thực nghiệm cụ thể với NASA để kiểm chứng lại, vì ông cho rằng E khác với MC2, có thể càng ngày càng chứng minh và công nhận rằng ông hợp lý.

“Đối thủ của Einstien”

Tinh thần sáng tạo khoa học, kết hợp kỹ thuật, nghệ thuật và lối sống vào trong việc chế tạo của ông đều mang tính khái niệm và cách tân với tầm nhìn xa tới tương lai, cũng như năng lực sáng tạo suốt đời không mệt mỏi. Quasar Khanh là người Việt Nam duy nhất có tên trong Từ điển Bách khoa Larousse, các tác phẩm đồ nội thất đệm hơi lừng danh của ông hiện nằm trong các bảo tàng lớn trên thế giới, được xem như những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trong suốt, có thể gấp lại, du cư, mềm dẻo và bền bỉ, chỉ bị một lỗi duy nhất là đã đi trước thời đại nửa thế kỷ.

Sản phẩm đệm hơi của Quasar Khanh tất nhiên ảnh hưởng tới tới thẩm mỹ nghệ thuật pop art hoặc gần gũi hơn trong đời sống giải trí mà giờ đây ta thấy con cái chúng ta vui chơi nhún nhảy trong những ngôi nhà hay lâu đài bơm hơi, bể nước bơm hơi, thú vật nhún bơm hơi…

Nhà thiết kế Quasar Khanh: Kiến trúc sư của không khí - 1

Quasar Khanh, tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khánh, sinh năm 1934 tại Hà Nội. Năm 1949, Quasar theo mẹ sang Paris lúc 15 tuổi du học qua sự đỡ đầu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, cha là kỹ sư đã qua đời trước khi Quasar chào đời trong khi ông đang thi công làm cảng Hải Phòng.

Theo bước chân cha mình, Quasar tốt nghiệp trường ưu tú đào tạo kỹ sư của Pháp là Trường Cầu Đường Quốc gia Paris, nhưng sau này Quasar đổi hướng từ công trình dân dụng để đi vào thế giới thiết kế và thời trang. Năm 1957, ông kết hôn với nhà thiết kế thời trang trẻ Emmanuelle Khanh, và lấy nghệ danh Quasar để bắt đầu sự nghiệp thiết kế, từ đây đánh dấu thời gian cả hai sẽ trở thành một cặp đôi sáng tạo và tiên phong.

Với tư cách nhà phát minh, Quasar Khanh có nhiều sáng chế, chẳng hạn ông tạo ra loại xe hơi hình khối gọi là Quasar Unipower (hay Cube Car), từng được sản xuất tại Anh từ giữa năm 1967-1968, báo hiệu trước và rất sớm loại xe hơi thông minh trong đô thị, có hình khối lợp toàn bộ bằng plexiglass, sau này chúng được thiết kế và sản xuất hàng loạt.

Quasar Khanh cùng với gia đình cổ điển Bắc Kỳ trong ngôi nhà bằng đệm hơi kỳ ảo
Quasar Khanh cùng với gia đình cổ điển Bắc Kỳ trong ngôi nhà bằng đệm hơi kỳ ảo

Quasar Khanh cũng đã tạo nên những không gian sống bằng hơi cho cuộc Triển lãm “Những cấu trúc bằng hơi” được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris vào năm 1968. Những nhà tổ chức nhắm tới triển lãm mọi phương diện của khái niệm này: những phát minh kỹ thuật, những ứng dụng thực tiễn và những biểu hiện nghệ thuật.

Những nhà biên tập của tạp chí Utopie là những người cổ súy cho cuộc triển lãm mà họ dự đoán một tương lai được đánh dấu bằng những tiến bộ cách mạng trong kiến trúc, quy hoạch đô thị và giao thông công cộng. Tất cả những triển lãm đều là những phát minh cách mạng có những cấu trúc bằng hơi làm mẫu số chung.

Tất nhiên Quasar Khanh là điểm thu hút trung tâm trong cuộc Triển lãm này. Qua nhiều năm, Quasar bổ sung thêm dòng đồ nội thất bằng nhôm đúc khuôn cát, và sản xuất nguyên mẫu loại thuyền Khanh Hydrair KX1 và QuasarArk Q2.

Từ khi về nước, Quasar đồng thời cũng mong muốn mang những mẫu thiết kế đến gần hơn tới người hâm mộ trong nước, chúng ta có thể ghé thăm phòng trưng bày Gaya ở khu vực trung tâm thành phố Sài Gòn, với các mẫu thiết kế mới nhất là thành quả hợp tác giữa ông với người bạn đời Emmanuelle Khanh cùng một số nhà thiết kế Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khác.

Những ý tưởng ấp ủ ở Việt Nam

Biệt danh hay nghệ danh “Quasar”, theo ông, gợi lên tính hiện đại và tính đại đồng: là một người Việt Nam tại Pháp, ông tìm kiếm một bản sắc không bị trói buộc bởi quốc tịch nào. Quasar trong thiên văn học để chỉ loại thiên thể hay chuẩn tinh cực xa và cực sáng ở dải ngân hà trong những hố đen hàng triệu năm ánh sáng, thường dùng để ví phản ánh cái khoảng cách giữa tài năng sáng tạo của ông với cái kỷ nguyên đang sống, dù là ở đâu, từ Paris tới Sài Gòn.

Thế nhưng, cái khoảng cách Quasar phát tia sáng tạo và để được đón nhận, đã phải chịu một “tiền định” nghịch lý là tỉ lệ nghịch, hay bị đẩy lùi xa hơn nữa với chính cái nôi mà chuẩn tinh này ra đời.

Năm 1994, giữa thời điểm Việt Nam trong viễn cảnh thay đổi lớn mang tính quyết định tới tương lai về chiến lược phát triển đô thị, Quasar Khanh đã chọn lựa về sống ở quê nhà, trong một căn biệt thự Pháp cũ được sửa sang lại ở TP. HCM trên đường Phạm Ngọc Thạch, không ngừng đưa ra những phát minh mới, và đặc biệt ưu ái dành những tia sáng tạo chói sáng cuối đời mình cho quê hương.


Quasar Khanh trên chiếc tàu đệm khí (hovercraft), Far Eastern Economic Review, 2003

Quasar Khanh trên chiếc tàu đệm khí (hovercraft), Far Eastern Economic Review, 2003

Tại Sài Gòn, những thiết kế mà ông vốn ôm ấp nhiều chục năm và sau đó cho ra nguyên mẫu chiếc tàu đệm khí (di chuyển trên bộ và dưới nước với tốc độ 100 hải lý/giờ so với 50 hải lý/giờ của Hải quân Hoa Kỳ) khi ấy đã không được đón nhận, mà nay có lẽ rất cần cho việc “bảo vệ biển đảo”.

Trong thiết kế sản phẩm dân dụng, ông cho ra nguyên mẫu chiếc xe đạp “Bambooclette” - loại xe đạp địa hình có khung bằng tre và mây mà ông đề xuất người Việt dùng làm phương tiện trong đô thị, vừa thân thiện với môi trường, và thay thế xe đạp cũ của Trung Quốc.

Và một giấc mơ “điên rồ” khác của Quasar: sau khi thăm khu xưởng Ba Son, ông đề xuất dự án và đưa ra mô hình cây cầu cao 40 mét mà ông thiết kế hình xoắn ốc khổng lồ (như một bãi đậu xe) từ phía bờ sông xưởng Ba Son bắc qua khu Thủ Thiêm khi ấy hãy còn “lác đác bên sông chợ mấy nhà” và đầy rẫy biển quảng cáo. Cây cầu này thiết kế khi ấy để giải quyết vấn nạn đã làm trì trệ việc quy hoạch thành phố suốt hơn một thập kỷ mà không phải di dời Cảng Sài Gòn.

Giấc mơ này đã không được thực hiện mà sau đó quyết định được thay bằng đường hầm Thủ Thiêm (gần đây dường như cơ quan chức năng đã nhìn ra và đang bắt đầu làm cây cầu ở vị trí này với một quy mô khác hẳn).

Một số sản phẩm trong bộ sưu tập “Aérospace” của Quasar Khanh, 1968
Một số sản phẩm trong bộ sưu tập “Aérospace” của Quasar Khanh, 1968

Nhưng tầm nhìn về tương lai đô thị Việt Nam của ông không dừng lại ở đó. Khi ấy, ông hình dung ra một mạng lưới các tòa nhà cao tầng xòe ra như cánh quạt từ phía bên kia chiếc cầu, đang chuyển hóa những mái nhà lụp xụp thành một thành phố của ngày mai. Quasar chê trách những thành phố truyền thống ngày càng trở thành nạn nhân của lối tư duy hai chiều, “Hoặc là chúng phình đại ra, như Los Angeles, hoặc tất cả chỉ là những tòa nhà cao tầng nơi người ta sống trong cô lập”.

Ông hình dung ra khu Thủ Thiêm, bên kia sông, là thành phố ba chiều thật sự đầu tiên, nơi mà tất cả các công trình cao tầng sẽ được kết nối ở những cấp độ khác nhau bằng những đường đi bộ và đường sá được nâng cao. Quasar mường tượng ra thành phố mới này là những khách đi bộ, đi xe đạp hoặc trượt patanh từ nơi này đến nơi khác. Đối với giao thông cơ giới, ông ủng hộ thang máy và có thể là tàu điện với giá rẻ, vừa hiệu quả vừa không ô nhiễm.

Những giấc mơ “điên rồ” cuối cùng của Quasar Khanh đã không trở thành hiện thực ở quê nhà dù như ông nói “Tôi là một nhà phát minh. Tôi là một nhà khoa học. Tôi không phải là kẻ mơ mộng”.

Và nhiều người tin ông. Cả thế giới bao năm qua đã thán phục ông.

Theo Hà Vũ Trọng (tổng hợp)

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần