Người Việt ở Hy Lạp trông chờ điều gì vào Thủ tướng Tsipras?

Hy Lạp đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế nhưng cộng đồng người Việt tại đây vẫn hy vọng vào sự đổi mới của Thủ tướng vừa được bầu lại Tsipras.

Anh Cong Nguyen sang Hy Lạp từ năm 2011 đúng thời điểm nước này lâm vào cuộc khủng hoảng nợ với vô vàn khó khăn về kinh tế. Lúc đầu anh làm bếp trưởng cho một nhà hàng của một Việt kiều, sau đó anh chuyển sang làm việc cho một quán ăn của người bản xứ.

Người Việt ở Hy Lạp trông chờ điều gì vào Thủ tướng Tsipras? - 1

Cộng đồng người Việt tại Hy Lạp đón năm mới. (Ảnh: facebook)

Anh Cong kể rằng dù anh không đến Hy Lạp lúc quốc gia này đang hưng thịnh nhưng anh cũng mường tượng ra cảnh đông đúc, sầm uất tại đây. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ công đã khiến trung tâm văn hóa, khu thương mại bị đóng cửa nhiều. Hàng loạt nhà hàng, coffee, bar của người bản xứ cũng như nhập cư phải đóng cửa. Trên các đường phố, xuất hiện vô vàn các tấm biển rao bán hoặc rao cho thuê cửa hàng, cửa hiệu mà ít người hỏi thuê hay mua.

Sau cuộc tổng tuyển cử Hy Lạp hôm 20/9 với chiến thắng của ông Tsipras, người đã từng làm Thủ tướng và có chính sách khá cứng rắn với chủ nợ, anh Cong hy vọng cuộc sống của người dân bản xứ và của cộng đồng người Việt tại đây sẽ được cải thiện. Anh Cong cũng tán thành việc sử dụng lại đồng nội tệ Drachma của nước này.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp, cộng đồng người Việt tại đây hiện có khoảng hơn 400 người, trong đó khoảng 200 người hiện đang sinh sống và làm việc tại Athens.

Người Việt Nam tiếp tục giữ được truyền thống là một trong số ít cộng đồng nhập cư được đánh giá cao nhất về sự tuân thủ luật pháp, hòa nhập vào đời sống nước sở tại.

Người Việt ở Hy Lạp trông chờ điều gì vào Thủ tướng Tsipras? - 2

Đại sứ Trần Thị Hà Phương chụp ảnh lưu niệm với các kiều bào tiêu biểu. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Hy Lạp)

Hy Lạp là quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải song mỗi năm chỉ có 3 tháng mùa đông, còn lại 9 tháng nắng nóng của mùa hè miền nhiệt đới. Thế nhưng diễn biến thời tiết khắc nghiệt như vậy vẫn không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của phần lớn cộng đồng người Việt ở Hy Lạp, với con số tương đối khiêm tốn hơn so với các cộng đồng khác. Một số người Việt cũng chọn sinh sống trên các đảo quanh Athens như Godos, Rafina, Elefsina, Rhodos…

Đa số người Việt tại Hy Lạp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và học tập. Thực tế, cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp bắt đầu từ năm 2010 nhưng ít nhà hàng của người Việt phải đóng cửa. Cộng đồng người Việt vẫn tương đối ổn định về số lượng, trong khó khăn họ điều chỉnh cách thức làm ăn.

Trong cuộc gặp mặt với bà con Việt kiều đầu năm, đại sứ Trần Thị Hà Phương động viên bà con cộng đồng trong hoàn cảnh kinh tế Hy Lạp khó khăn như hiện nay vẫn gắn bó tương trợ lẫn nhau, cùng vượt qua những khó khăn thách thức.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp cũng là địa chỉ tin cậy của bà con người Việt khi đại diện cho cộng đồng, làm việc với các cơ quan chức năng của Hy Lạp, để thúc đẩy phía Hy Lạp cấp các giấy tờ pháp lý cần thiết, tạo đạo kiện cho bà con có địa vị pháp lý vững chắc để bà con yên tâm làm ăn sinh sống tại đây./.

Theo Ngân Giang/VOV.VN (tổng hợp)

Người Việt ở Hy Lạp trông chờ điều gì vào Thủ tướng Tsipras? - 3