Các cách đón Tết của người Việt tại Nga

9 giờ tối, tương đương với 12 giờ Việt Nam, nhà nhà sẽ thắp hương, khấn vái trước bàn thờ gia tiên phút giao thừa hướng về đất Mẹ.

Tết đầm ấm giữa cộng đồng

Có một câu ngạn ngữ khá đúng về nhiều phương diện: Giầu nhà quê, không bằng ngồi lê thành thị. Ở đây, tôi không dám nói đến khía cạnh vật chất mà chỉ nói đến khía cạnh tinh thần, cái sự giàu có nhất ở Thủ đô Matxcơva, đó là được sống giữa không khí cộng đồng bà con người Việt đông đảo.

Khi ở giữa nơi đô hội, người ta khó cảm nhận được sự giàu có và và hạnh phúc này, chỉ khi đến những nơi hẻo lánh, xa vắng bóng những người đồng hương; khi sống giữa xung quanh là những người lạ lẫm, mới thấu hiểu hết được sự cô đơn, lãnh lẽo và trống vắng. Tôi đã từng đến dự những đám cưới ở những vùng xa tắp mù khơi, cách Matxcơva hơn 5000 km, với một nhóm nhỏ người Việt nhỏ bé lọt thỏm giữa những người địa phương, mới thấy mình lạc lõng và quý tình đồng hương biết nhường nào!

Chương trình Xuân Hà Nội ở thủ đô nước Nga

Chương trình "Xuân Hà Nội" ở thủ đô nước Nga

Năm nay năm nhuận, người Việt ở Thủ đô Matxcơva, ngay từ cuối tháng 1 dương lịch, tức là giữa tháng 11 ta Nhâm Thìn đã rạo rực không khí Tết.

Các công ty, các trung tâm đã làm xong lịch mới mang từ trong nước sang, đã kịp phát cho nhân viên và những người thân thuộc. Hệ thống dịch vụ đã vào guồng chạy với công suất lớn nhất, đánh hàng tới tấp từ Nga về.

Đã từ lâu, những đại gia trong nước sợ thực phẩm chợ không được an toàn, chỉ toàn xài đồ Nga, đã có những đơn đặt hàng hậu hĩnh. Dịch vụ đánh về nước từ trứng cá hồi, thịt hun khói, xúc xích, hoa quả châu Âu, cho đến thịt cừu tươi, thịt bò hiệu Voronhej và các thức tẩm bổ mà những thuật ngữ, tên riêng, người viết phải lần mò tra từ điển mới hiểu được.

Ngược lại, họ đánh từ Việt Nam sang những sản phẩm thiết yếu mà người Việt ở Nga không thể thiếu trong dịp Tết. Vào dãy hàng khô ở Rưbac, chợ Xodovod, Liublino, Mê kông giống như là hạ cánh xuống chợ Hàng Da, Đồng Xuân vậy. Không thiếu một thức gì, kể cả những mặt hàng hiếm hoi nhất. Khách hàng có thể mua lá dong, nếp cái, đỗ bóc vỏ, tôm tươi, tôm nõn, bóng miến, gia vị... Ở đây, các nhà dịch vụ mẫn cán quan tâm từ hộp tăm tre cật, đôi đũa sơn, bát đàn, lư hương thờ cúng, kim ngân, rượu nếp. Có thể nói, trên là trời, dưới là hàng Tết.

Trước đây, khi còn các Ốp, nơi cư ngụ của hàng trăm người Việt, thì Tết diễn ra náo nhiệt trong lãnh địa do người Việt làm chủ. Còn mấy năm lại đây, khi các Ốp đã thành kỷ niệm, thì hội Tết diễn ra ở chợ và câc nhà hàng.

Ngay trong khuôn viên chợ Liublino, có một nhà hàng lớn do người Tàu dựng lên, là nơi thường xuyên tụ hội và tổ chức lễ lạt của cộng đồng. Tuy giá cả thì trên chín tầng mây, món ăn, thức uống thì tầm tầm, nhưng thuận tiện thì hết chỗ nói. Sau giờ tan chợ, chỉ cần đi bộ vài phút, là bà con đã có thể yên vị ăn uống rôm rả giữa khung cảnh đèn hoa xanh đỏ và đàn sáo tưng bừng.

Thay vì các chủ Ốp trước đây, hàng năm lo Tết cho bà con, thì cờ luân lưu tổ chức nay rơi vào tay các Hội Đồng hương. Hội này nhìn hội kia, cố tổ chức cho đủ đầy và chu đáo. Trên các báo cộng đồng, trên kênh VTV 4 đã đăng tải các tin mời đón Xuân của ngót nghét chục Hội.

Công ty Insentra mở tiệc tất niên, đón chào Xuân Quý Tỵ

Công ty Insentra mở tiệc tất niên, đón chào Xuân Quý Tỵ

Những tưởng năm nay, chắc do làm ăn khó khăn hơn, việc mời ca sĩ từ trong nước sang không thấy ai nhắc đến, thay vì điều đó, các Hội đều lên lịch mời các ca sĩ cộng đồng tham gia biễu diễn.

Sau đợt tổng duyệt cuối năm vừa rồi, mới hay là các ca sĩ cộng đồng được đào tạo rất bài bản, có nhiều giọng hát và tài năng không kém gì các kim tinh trong nước. Nhưng không ngờ, chưa đến Tết, Hội Người Hà Nội và Trung tâm Insentra đã tổ chúc hai đợt mời các ca sĩ có hạng trong nước sang khuấy động không khí chuẩn bị Tất niên.

Việc ăn uống, ẩm thực đã từ lâu đã bão hoà, bởi vì miếng ăn ngày Tết khá đủ đầy quanh năm ở cái đất xa Tổ quốc chín giờ bay này. Nhưng khi Tết đến, trên mâm cỗ bao giờ cũng có bánh chưng, giò lụa, măng miến, nem, bóng, xôi gấc. Trong những ngày tất niên, giao thừa, lúc nào trong nhà hàng cạnh chợ, không khí Tết luôn vang lên giữa những lời chúc tụng và cảnh chúc rượu dzô! dzô! náo nhiệt.

Quanh năm đầu tắt, mặt tối, bà con đi chợ chỉ dám nghỉ có một ngày, có người chỉ nghỉ nửa ngày, sau đó lại lăn mình vào nghiệp mưu sinh.

Nhà nhà đón Tết

Chưa năm nào, người Nga ăn Tết to như năm nay, bất chấp giá rét, bất chấp dư âm của cuộc khủng hoảng hai năm qua vẫn còn phảng phất.

Năm nay, cư dân các nước châu Âu có xu hướng giảm chi phí đón năm Mới, nhưng ở Nga, con số này lại tăng trưởng mạnh, mặc dù lượng chi tiêu của người Nga vẫn chưa là gì so với thu nhập của của phần lớn dân châu Âu.

Theo ước tính, người Nga trung bình sẽ chi cho các ngày lễ năm mới khoảng 381,7 euro , tăng 8,6% so với năm ngoái, theo kết quả khảo sát do công ty Deloitte thực hiện. Người dân Nga chi tiêu về quà biếu, quà tặng tăng 7,1%, đến 173,9 euro, và giải trí - tăng 17,9%, đến 64,6 euro. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống ở mức 143,2 euro, tăng 6,8% so với năm ngoái.

Trong đêm giao thừa, tại Maxcơva sẽ có hơn 30,000 nhân viên cảnh sát và quân nhân được huy động để giữ gìn an ninh công cộng. Những khu vực có hoạt động đón mừng năm mới như các quảng trường Manhezh, Lubyanka, Teatralnaya và Tverskaya sẽ được cơ quan bảo vệ pháp luật đặc biệt chú ý.

Tuy vậy, người Việt mình vẫn có vẻ dửng dưng với sự xa hoa và hoành tráng đó, họ dường như chỉ đóng vai quan sát như là người chứng kiến.

Sắm sửa đủ lễ vật đưa Táo quân về trời vào 23 tháng Chạp, ngoài cửa sổ tuyết vẫn rơi

Sắm sửa đủ lễ vật đưa Táo quân về trời vào 23 tháng Chạp, ngoài cửa sổ tuyết vẫn rơi

Chỉ đến cữ Rằm tháng Chạp, khi sân bay đã cuồn cuộn người hồi hương, khi mà điện thoại đã không ngớt những câu chuyện về năm hết, Tết tận, thì trong trái tim của người tha hương mới bừng thức dậy nguồn mạch sâu lắng của con dân xứ Việt. Ai cũng lo toan chuẩn bị vật chất và tinh thần để tiễn năm cũ qua đi và đón một năm mới đến theo truyền thống tổ tiên.

Nét đặc biệt về mặt văn hoá tâm linh là bất cứ một gia đình người Việt nào tại Nga cũng có bàn thờ cúng gia tiên. Dù mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng cố sắm các thức bày mâm cúng Tết đủ món, đủ lễ theo một quy ước bất thành văn là xôi gà, rượu trắng, mâm ngũ quả, hương vàng, bánh chưng, và cành đào đỏ.

Năm nay, do không đổi giờ mùa đông, nên chín giờ tối, tương đương với 12 giờ Việt Nam, nhà nhà sẽ đều thắp hương, khấn vái trước bàn thờ gia tiên phút giao thừa hướng về đất mẹ. Mọi lễ nghi ở nước Nga xa xôi này đều thực hiện như một bản sao của phong tục, tập quán quê nhà. Mặc dù ngoài trời, tuyết bay trắng xoá, nhưng trong nỗi gia đình, khói hương trầm phàng phất, lòng vẫn nghĩ rằng nước Việt ở đâu đây.

Vui như Tết sinh viên

Mặc dù không được đông đảo như thời Xô Viết, nhưng số lượng sinh viên ở Nga trong mấy năm gần đây đã tăng trưởng khá mạnh mẽ, chủ yếu bằng con đường du học tự túc. Nhiều nhất vẫn là sinh viên ở Matxcơva, sau đó là các thành phố lớn, còn ở các thành phố xa lơ, xa lắc như Omxk, Orenbua, Khabarovxk, Chiumen, Irkut... có nơi thì hàng chục, nơi có mươi người , hoạ hoằn lắm, mới có nơi chỉ dăm bảy sinh viên.

Đa phần sinh viên tự túc là nghèo, trừ con em những gia đình có của ăn, của để, con cái các ông chủ trong nước, nhưng dù vậy, cuộc sống sinh viên là một thế giới trẻ trung, đầy sáng tạo.


Mâm cỗ Tết của sinh viên Việt ở Moskva

Mâm cỗ Tết của sinh viên Việt ở Moskva

Sinh viên là thành phần dễ hội nhập với thế giới xung quanh, nên họ dễ hoà đồng với năm mới dương lịch của Nga. Họ cùng sinh viên các nước tham gia lễ hội, tổ chức các cuộc picnich và thả mình vào không khí sôi động của dân địa phương.

Điều đáng quýnhất, là dù đi đâu, cái Tết dân tộc đối với họ vẫn thiêng liêng và gần gũi. Dẫu không làm bàn thờ tiên tổ như các gia đình do vì sống ở ký túc xá, nhưng thỉnh thoảng một số sinh viên vẫn dành ra một khoảng nhỏ trên bàn học, thắp nén hương để bái vọng về quê cha, đât tổ.

Nếu như trước đây, có khi cả đơn vị mơi có một vài chiếc bánh chưng khi Tết đến, khi chia ra phải trông nhau và đếm đầu người kẻo thiếu, thì bây giờ, thứ quốc thực đó bày bán ê hề khắp các chợ Việt Nam.

Những Trường Đại học ở gần cộng đồng người Việt, sinh viênluôn được ưu ái và dành cho một sự quan tâm
đáng kể về mặt vật chất. Các cô chú, các đơn vị cộng đồng hỗ trợ cho các đơn vị sinh viên những đồ ăn Tết đủ đầy để giúp các cháu vợi đi nỗi nhớ nhà.

Hầu như đơn vị sinh viên nào cũng chuẩn bị một chương trình văn nghệ tự biên, tự diễnđêm giao thừa, có khi còn lôi kéo được những sinh viên ngoại quốc tham gia.

Những sinh viên nào có người thân, có bạn bè thành phố khác thì tranh thủ ngày nghỉ, xin thầy giáo châm chước thêm một vài hôm, lên tàu đi ăn Tết thành phố khác.

Và Tết của những người thợ

Khó mà thống kê được số thợ may và thợ xây người Việt trên khắp lãnh thổ Nga, nhưng con số đó chắc chắn phải nhiều ngàn. Họ có mặt ở những thành phố lớn, cả những vùng xa cách Matxcơva hàng trăm cây số, thậm chí cả những nơi tiềm ần nguy cơ xung đột sắc tộc của nước Nga như Groznưi, Nanchik, Đaghestan...

Những người công nhân may bao giờ cũng có một ông chủ quản lý, dù chật chội đi chăng nữa thì cũng có một mái nhà. Cái Tết của họ thường phụ thuộc vào hoàn cảnh nơi họ sinh sống và làm việc, nhưng chủ yếu là do ông chủ quyết định. Nếu anh em công nhân gặp một ông chủ hào phóng, nhân ái thì họ sẽ có một cái Tết đúng theo nghĩa của nó, được nhận đủ lương, được thưởng tiền, có khi còn được tặng một chút quà nhỏ, được nghỉ một ngày và thể nào cũng có một bữa ăn tất niên và bữa mồng Một tươm tất.

Có những chủ xưởng hảo tâm còn thuê một chuyến xe đưa anh em thợ đi thăm thú một vài khu vực thủ đô. Họ được chụp hình, được tận ngắm phong cảnh và mua một vài đồ lưu niệm.

Còn đen đủi cho những anh em thợ nào, gặp phải chủ đang mùa làm ăn không thuận, lại mịt mờ đường tâm đức, thì anh em cơ khổ đủ điều. Đã không có tiền thưởng, đã không có chút đãi ngộ gì đã đành, ngày Tết đến nơi, muốn có chút lương gửi về nhà cho vợ con mà chủ vẫn khất lần, khất lữa. Những anh em rơi hẩm hiu vào những xưởng may này, cái Tết dường như xa vời và vắng bóng. Họ không biết đi đâu khi xung quanh bốn bề tuyết trắng với cánh cổng sắt khép kín, bữa cơm có chút thịt nhỉnh hơn ngày thường, có thêm miếng bánh chưng nhưng bát cơm chan đầy nước mắt.

Hàng Việt Nam trước Tết Quý Tỵ 2013 ở Ốp Rư-bác (Liên bang Nga)

Hàng Việt Nam trước Tết Quý Tỵ 2013 ở Ốp Rư-bác (Liên bang Nga)

So với thợ may, những người thợ xây dựng, họ tự do hơn một chút, chủ quản lý họ không nghiêm ngặt, họ hưởng lương chủ yếu theo sản phẩm.

Hầu hết thợ xây của ta là thợ phổ thông, làm thô, nên chủ yếu làm ngoài trời, mùa hè thì không sao, nhưng mùa đông khắc nghiệt thì phải nghỉ hoặc chỉ làm phụ trong nhà. Chỗ ở của anh em là các khu nhà chưa hoàn thiện, rày đây, mai đó.

Những ông quản lý người Nga nào dễ thông cảm, họ cho anh em nghỉ một ngày, nhưng những chủ nào cứng nhắc, lạnh lùng, thì chỉ trích ra một buổi cho đám thợ phương đông nghỉ ngơi theo truyền thống. Bởi vì ba mươi, mồng một của ta, vẫn là ngày làm việc của họ.

Anh em thợ xây dựng thường sống ở vùng ngoại ô, hoặc gần nông thôn, ngày Tết tự cải thiện bằng cách vào làng mua một con cừu giá rẻ bất ngờ, mua thêm vài con gà ngỗng, thêm chai rượu nữa là hì hục nấu nướng, xúm lại ngồi với nhau đón Tết. Ở các vùng sâu, vùng xa, anh em không dám gọi điện nhiều về nhà và gọi lên thành phố khác, vì gọi đường dài rất đắt.

Có người còn quên cả ngày âm lịch, khi bè bạn nhắc mới sự nhớ là có Tết.

Những nhóm thợ xây dựng có người đầu tàu biết lo lắng chỉn chu, thì trước đó, họ gửi theo xe chuyến về thành phố, kịp thời tính toán mua nếp, mua bánh chưng, mua các nhu yếu phẩm để làm cho anh em xa nhà một bữa ăn giống Tết.

Xong bữa cơm tất niên, không báo, không đài, ngấm chén rượu, đánh một giấc dài cho bõ những ngày làm quần quật, sáng ra lại như 364 ngày khác, anh em thợ lại lên công trường, lăn lộn cùng vôi vữa.

Và ở nơi nào nơi xứ lạnh, dù giữa cộng đồng, dù nơi mịt mù cực Bắc, dù tận nơi thảo nguyên hoang vắng, người Việt ai cũng chúc nhau, cùng hy vong, một ngày không xa sẽ được đón một cái Tết sum họp ở quê nhà.
Theo Nguyễn Huy Hoàng
VOV