TPHCM phấn đấu đưa 30% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến trường

(Dân trí) - Ít nhất 30% trẻ nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi đến trường là một trong những mục tiêu lớn của Chương trình hành động Vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS năm 2011 tại TPHCM.

TPHCM phấn đấu đưa 30% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến trường - 1
Bên cạnh việc tuyên truyền các phòng tránh HIV/AIDS cần tuyên truyền cho xã hội cảm thông với những người đã nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Hiện ở TPHCM có hơn 60.000 trẻ (dưới 18 tuổi) nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhưng tình trạng kỳ thị xảy ra rất nghiêm trọng, nhiều trường hợp các em không thể đến trường do phụ huynh các học sinh khác làm áp lực, không cho các em đến trường học hòa nhập cùng con em họ.

Giai đoạn 2011 - 2020, TPHCM tiếp tục chỉ đạo, đầu tư và đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Bảo đảm trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tiếp cận với giáo dục hoặc được hỗ trợ học nghề, hưởng các chính sách xã hội theo quy định hiện hành, được sống an toàn cùng người thân hoặc ở những cơ sở chăm sóc thay thế.

Trước đó, tại một hội nghị bàn về việc đưa trẻ nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng do HIV/AIDS đến trường diễn ra cuối năm 2010, bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Phó chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM rút ra kết luận đáng buồn: “Thực tế cho thấy, nếu trẻ muốn vào học luôn phải dấu bệnh. Trẻ nào bị phát hiện sẽ bị kỳ thị, phản ứng dữ dội từ phía nhà trường hay phụ huynh học sinh”.

Và các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung nhận định: “Chiến dịch vận động đưa trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng do HIV/AIDS đến trường vẫn là cuộc chiến lâu dài và gian nan”. Do vậy, chỉ tiêu 30% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đến trường là một con số không hề nhỏ.

Ngoài việc hỗ trợ trẻ đến trường, Chương trình hành động Vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS năm 2011 tại TPHCM còn đề ra các chỉ tiêu khác như: 50% trẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chính sách xã hội; 75% đến 80% trẻ trong diện quản lý được chăm sóc, điều trị, tư vấn thích hợp; không bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội khác.

Tùng Nguyên