Thanh Hóa hướng tới công bằng trong giáo dục

(Dân trí) - Với mục tiêu xây dựng nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký phê duyệt Kế hoạch, mục tiêu phát triển bền vững giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch trên sẽ đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trai hoàn thành giáo dục Tiểu học, giáo dục Trung học cơ sở (THCS) miễn phí, công bằng, có chất lượng; tất cả trẻ em trong độ tuổi Mầm non được chăm sóc, giáo dục có chất lượng để phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào Tiểu học.

Theo kế hoạch, tất cả trẻ em trong độ tuổi Mầm non được chăm sóc, giáo dục có chất lượng để phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào Tiểu học
Theo kế hoạch, tất cả trẻ em trong độ tuổi Mầm non được chăm sóc, giáo dục có chất lượng để phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào Tiểu học

Đồng thời, đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận giáo dục sau phổ thông có chất lượng, chi phí học tập phù hợp với mức sống và mức thu nhập; xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục; đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng trong GD-ĐT ở tất cả các cấp học cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trẻ em trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, tất cả thanh thiếu niên và hầu hết người trưởng thành, không phân biệt giới tính, đều biết đọc, biết viết và biết tính toán...

Cụ thể, tăng tiếp cận giáo dục cho mọi người. Trong đó, thay đổi chính sách về học phí cấp THCS và Trung học phổ thông, tiến đến miễn phí hoàn toàn cho cấp THCS; giảm sự bất bình đẳng và chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, giảm tỷ lệ trẻ bỏ học, trẻ em ngoài nhà trường...

Chăm sóc, giáo dục trẻ thơ có chất lượng; phát triển giáo dục đại học có chất lượng; thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo đảm bảo bình đẳng trong giáo dục và xóa bỏ chênh lệch còn tồn tại đối với các đối tượng dễ bị tổn thương; xây dựng xã hội học tập.

Trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết cho người học để thúc đẩy phát triển bền vững; xây dựng môi trường học tập an toàn, không bạo lực, toàn diện và hiệu quả cho tất cả mọi người; giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Giải pháp được đưa ra để thực hiện kế hoạch nêu trên là lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động để nâng cao nhận thức của nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực GD-ĐT.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai nội dung kế hoạch đến các cấp, bậc học, các cơ sở GD-ĐT, các lực lượng xã hội nhằm tạo sự đồng thuận, chung sức chỉ đạo và triển khai thực hiện các mục tiêu của kế hoạch.

Triển khai hiệu quả việc đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực; thực hiện chương trình tích hợp các chủ đề về giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, giáo dục giới tính toàn diện, công dân toàn cầu, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp, văn hóa di sản...

Đổi mới công tác đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng đánh giá việc hình thành các năng lực, kỹ năng và thái độ bên cạnh tiếp thu kiến thức. Xây dựng môi trường văn hóa nhà trường, văn hóa trong học tập; tạo lập môi trường học tập công bằng, toàn diện, không bạo lực cho tất cả học sinh.

Trong đó, đổi mới quản lý giáo dục ở các cấp, đặc biệt là tăng cường hiệu quả quản lý nhà trường; xây dựng cơ chế xác lập quyền tự chủ của nhà trường ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo; thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường.

Thực hiện cơ chế cung cấp tài chính hướng tới công bằng trong giáo dục cho trẻ em gái, trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương...

Duy Tuyên