Tầm quan trọng ứng dụng nghiên cứu liên ngành về ngôn ngữ

(Dân trí) - Trong 2 ngày 29, 30/12 tại trường ĐH Ngoại ngữ Huế (TP Huế) đã diễn ra “Hội thảo Quốc gia Nghiên cứu Liên ngành về Ngôn ngữ và Giảng dạy Ngôn ngữ lần 2” do Trường ĐH Ngoại ngữ Huế - ĐH Huế phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Theo TS. Bảo Khâm, Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Huế, trong xu thế nghiên cứu khoa học hiện nay, chuyên môn hóa và liên kết, hợp tác giữa các ngành khoa học đều đóng vai trò quan trọng. Mỗi nhà khoa học cũng như mỗi ngành học cụ thể một mặt cần đi sâu vào địa hạt nghiên cứu chuyên biệt của mình, mặt khác phải mở rộng liên kết, thâm nhập và hợp tác chặt chẽ với các chuyên ngành khoa học khác.

Hội thảo Quốc gia Nghiên cứu Liên ngành về Ngôn ngữ và Giảng dạy Ngôn ngữ lần 2
Hội thảo Quốc gia Nghiên cứu Liên ngành về Ngôn ngữ và Giảng dạy Ngôn ngữ lần 2

Do đó nghiên cứu liên ngành về ngôn ngữ cũng như giảng dạy ngôn ngữ là rất quan trọng. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin khoa học cập nhật, báo cáo kết quả nghiên cứu về ngôn ngữ và khả năng ứng dụng nghiên cứu ngôn ngữ trong lĩnh vực liên ngành về Ngôn ngữ và Giảng dạy Ngôn ngữ. Và quan trọng hơn là tạo cơ hội kết nối thành lập các nhóm nghiên cứu liên ngành giữa các nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu liên khoa, liên trường đại học trong cả nước.

Hội thảo có 132 bài báo cáo toàn văn của cán bộ giảng viên hơn 40 cơ sở giáo dục đại học từ 15 tỉnh thành cả nước, trong đó có 74 bài trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng mới (có thực nghiệm, có điểu tra khảo sát và có kết quả cụ thể). Trong số này chia thành 8 lĩnh vực chính như Lý luận và Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ (43 bài), Ngôn ngữ học (28 bài), Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy ngoại ngữ (16 bài)…

Đại Dương