Nguy cơ “vỡ” trường vì vắng học sinh

Ngay trung tâm thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) có một ngôi trường được xây dựng đã hơn 40 năm, cơ sở vật chất rất khang trang, 3 tầng vững chãi. Nhưng học sinh không tới, giáo viên bỏ về xuôi, trường có nguy cơ “vỡ”…

Thiếu người học, thiếu cả giáo viên

 

Nằm giữa trung tâm khu du lịch Tam Đảo, mặc dù mang tên là trường THCS, nhưng ngôi trường này lại đảm nhiệm chức năng của cả trường tiểu học và trung học cơ sở. Với 57 học sinh của cả 8 khối lớp (trong đó tiểu học có 34, trung học cơ sở có 23), ngôi trường này có thể coi là “trường có ít học sinh nhất”. Lớp nhiều nhất cũng chỉ có 12 em (lớp 1). Lớp 4 chỉ có 4 học sinh. Hiện tại trường đang khuyết lớp 7 vì không có học sinh học.

 

Không chỉ thưa vắng học sinh, trường còn đang rơi vào tình cảnh thiếu thầy cô giáo. Hiện trường có tổng cộng 11 người (kể cả ban giám hiệu), trong đó cấp 1 có 3, cấp 2 có 8 giáo viên. Do thiếu người, nên giáo viên ở đây phải kiêm nhiệm, thậm chí phải dạy những bộ môn không được đào tạo…

 

Mỗi giáo viên đều phải dạy ít nhất từ 3 môn học trở lên, kể cả là không đúng chuyên môn. Cô giáo Thắm vốn là giáo viên dạy toán, lý được điều động dạy thêm cả mỹ thuật và địa lý. Cô Nhã, giáo viên toán, lý cũng được bổ sung dạy thêm địa lý, công nghệ. Ngay cả hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải đứng lớp vượt quá số giờ quy định, vì không đủ người dạy.

 

Nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm cả hai khối lớp, sáng dạy tiểu học, chiều dạy trung học. Hiện tại trường đang thiếu 4 giáo viên (tiểu học thiếu 2, trung học cơ sở thiếu 2), chủ yếu của hai bộ môn: thể dục, ngoại ngữ. Cuối năm 2008, một giáo viên dạy ngoại ngữ được tăng cường cho trường. Thế nhưng thời gian điều động chỉ có một năm, hết thời hạn đó, trường sẽ lại rơi vào tình trạng “trống” giáo viên ngoại ngữ. Trường đã làm đơn kiến nghị lên Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tam Đảo để được bổ sung giáo viên, thế nhưng cho tới nay vẫn chưa được đáp ứng.

 

Có trường vẫn phải “hạ sơn”

 

Trong khi Trường THCS thị trấn Tam Đảo vắng teo học sinh thì lại có chuyện học sinh thị trấn vất vả xuống núi để học chữ. Ông Nguyễn Quang Hải, Bí thư thị trấn Tam Đảo khẳng định lại rằng: “Không có chuyện học sinh thị trấn Tam Đảo bỏ học mà chỉ là không đến học tại Trường THCS thị trấn Tam Đảo. Trường thưa vắng học sinh cũng là do dân số ở đây rất ít, toàn thị trấn chỉ có 788 nhân khẩu với 229 hộ”.

 

Chúng tôi đi tìm hiểu mới thấy, chuyện các em học sinh xuống các xã dưới chân núi học chữ là có thật. Rất nhiều người đã phải vất vả đưa con đi thuê nhà trọ để học chỉ với hy vọng “chất lượng giáo dục sẽ tốt hơn”.

 

Trả lời câu hỏi, có đúng chất lượng giáo dục ở Trường THCS thị trấn Tam Đảo đang giảm sút nên mới bị “chê”, thầy giáo Ngô Việt Hà - Hiệu phó nhà trường thừa nhận: “Chất lượng dạy, học ở đây không thể tốt như dưới các xã vùng đệm. Không phải vì giáo viên ở đây kém hơn, mà vì họ phải tăng cường nhiều, buộc phải dạy thêm nhiều môn không đúng chuyên môn đào tạo. Tình trạng điều động, luân chuyển giáo viên liên tục trong thời gian ngắn cũng khiến cho các thầy cô không còn tâm huyết gắn bó với nơi này. Cũng có nhiều người lên đây chỉ với mục đích “chạy biên chế”, xong rồi lại xuống núi”.

 

Nguy cơ “vỡ” trường

 

Trường lớp đang teo dần đi, giáo viên chỉ muốn về xuôi… đang khiến ngôi trường này đứng trước nguy cơ “vỡ”. Từ năm 2005 tới nay, có 6 người được điều động lên thì đã có tới 4 người xin về, chủ yếu là thầy cô giáo trẻ. Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh cho biết: Cuộc sống trên này rất cực. Đi lại vất vả, thời tiết khắc nghiệt, lại rất buồn tẻ. Đồng lương ít ỏi mà giá cả sinh hoạt ở đây lại rất đắt đỏ vì là đất du lịch. Thành ra kinh tế gia đình luôn “âm”, phải nhờ ông bà nuôi giúp con nhỏ.

 

Phần lớn giáo viên ở đây đều phải ở nội trú vì điều kiện nhà xa. Thế nhưng ở ngay chốn thiên đường du lịch, với nhiều khách sạn bạc tỉ này, thì những người giáo viên “cắm bản” vẫn phải sống rất tạm bợ.

 

Hiện tại cái gọi là “nhà nội trú cho giáo viên” mới chỉ có hai phòng nhỏ diện tích gần 20m2 dành cho 5 người ở. Hai giáo viên mới được tăng cường về trường thì vẫn phải ở tạm trong phòng bảo vệ. Trường đang có kế hoạch xây dựng nhà ở cho giáo viên, nhưng chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

 

Có điều lạ là, mặc dù phải bám trụ lại nơi cao hơn 1.500m so với mặt nước biển với rất nhiều điều kiện khó khăn song những giáo viên ở đây không được hưởng bất kỳ chế độ ưu đãi đặc biệt nào. Trong khi đó, Tam Đảo có tới 3 xã mà giáo viên được 200% lương: Đạo Trù, Bù Lý, Yên Dương. Đơn giản vì đó là những xã được hưởng Chương trình 135. Còn thị trấn Tam Đảo, đã là thị trấn thì không được hỗ trợ.

 

Thầy giáo Ngô Việt Hà tỏ vẻ lo ngại: “Cứ tình trạng thiếu vắng học sinh, giáo viên như thế này, chẳng mấy trường sẽ phải đóng cửa”. Để giữ giáo viên ở lại, kéo học sinh tới trường… đòi hỏi ngành Giáo dục địa phương cần phải nỗ lực giải quyết những bất cập, vốn đang là nguyên nhân của tình trạng này.

 

Theo Hà Ly

Công an nhân dân