Nên cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên THPT và TCCN

(Dân trí) - Đó là một trong những đề xuất mới của các đại biểu tham dự Hội thảo “Xây dựng khung chính sách đối với giáo viên Trung học Phổ thông và Trung cấp Chuyên nghiệp” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 24/3.

Ông Nguyễn Văn Thất (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức- Bộ Nội vụ), thành viên Ban nghiên cứu dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN đánh giá: “Trong những năm qua, chế độ chính sách dành cho giáo viên (GV) THPT và TCCN rất được Nhà nước quan tâm góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ này”.  

Bên cạnh những mặt đạt được thì chế độ chính sách dành cho 2 đối tượng này vẫn còn nhiều hạn chế nhất định như nhiều quy định xây dựng chế độ về mặt lâu dài đã lạc hậu; một số quyền và nghĩa vụ cơ bản của GV chưa được quy định trong luật; quy định, hướng dẫn thi tuyển, xét tuyển GV chưa cụ thể; quản lý chất lượng GV theo trình độ chuẩn đào tạo hiện đã lạc hậu, cần quản lý chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp song chưa được quy định trong luật; quy định chế độ chính sách đối với GV ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập,  có yếu tố nước ngoài hầu như chưa có; hệ thống chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ GV còn có điểm chưa hợp lý…

Nên cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên THPT và TCCN - 1
Hội thảo “Xây dựng khung chính sách đối với giáo viên Trung học Phổ thông và Trung cấp Chuyên nghiệp” diễn ra ngày 24/3 tại TP Cần Thơ. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Thực trạng khi khảo sát ở một số địa phương cho thấy, về công tác đào tạo GV thì số GV dạy ở các trường THPT, TCCN có trình độ cao đẳng còn chiếm tỷ lệ cao. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường; việc đào tạo nâng cao chuẩn không đồng đều ở các tỉnh, thành; chính sách đào tạo GV cho vùng dân tộc thiểu số và GV dạy các môn đặc thù chưa đủ thu hút trong các trường ĐH nên GV ở các vùng này vẫn thiếu.

Về chính sách bồi dưỡng GV diễn ra không đồng đều ở các địa phương; tuy công tác bồi dưỡng được thực hiện bằng nhiều giải pháp nhưng năng lực chuyên môn của một số GV còn hạn chế, chưa tương xứng với trình độ đã được đào tạo bồi dưỡng.

Lĩnh vực công tác nghiên cứu khoa khoc học ở các trường THPT, TCCN chưa được chú ý, coi trọng đúng mức nên đã ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo trong nhà trường. Việc xác định GV THPT, TCCN chỉ có 2 ngạch để chuyển xếp lương là chưa hợp lý. Chế độ công tác và định mức biên chế phụ thuộc vào sĩ số lớp học sinh nhưng hiện nay số lượng học sinh là quá lớn khiến GV khó quan sát được việc học tập của học sinh; việc tồn tại 2 cơ chế biên chế và hợp đồng lao động trong nhà trường là không công bằng. Hiện nay thang bậc lương của GV vẫn chưa thể hiện đúng vị trí; gộp GV THPT với GV TCCN và GV Trung cấp nghề vào là chưa hợp lý. Công tác tuyển dụng GV, đánh giá GV, luân chuyển GV, khen thưởng GV, kỷ luật GV chưa có những quy định cụ thể.

Theo ông Thất, hiện nay một số nước trên thế giới đã thực hiện việc cấp giấy phép hành nghề cho GV và chỉ có những người có giấy phép mới được tham gia hoạt động theo đúng nghề của mình. Đây là vấn đề mới ở Việt Nam. Việc cấp giấy phép hành nghề đối với GV được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giúp cho công tác quản lý đội ngũ GV chặt chẽ, hiệu quả hơn, tránh được tình trạng như hiện nay một số GV không đủ năng lực, trình độ dạy học nhưng không thể đưa ra khỏi đội ngũ GV. Nhiều ý kiến cho rằng việc cấp giấy phép hành nghề cho GV sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. 

Ông Văn Công Sang - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) đánh giá, chất lượng xét tuyển chỉ cần văn bằng và hồ sơ hợp lệ chưa đánh giá được khả năng sư phạm của GV mới tuyển dụng. Chính vì thế để tuyển chọn đội ngũ GV tốt nghiệp các trường Sư phạm chính quy cần có biểu điểm ưu tiên theo thứ tự giảm dần: trường SP chính quy-trường ngoài SP hệ chính quy- trường SP hệ tại chức, từ xa-xếp loại tốt nghiệp giỏi, khá, khá-trung bình, trung bình.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trình độ tin học và ngoại ngữ của GV chưa thật sự ngang tầm nhiệm vụ dẫn đến hạn chế việc cập nhật thông tin, khai thác tài liệu phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chế độ GV làm công tác thiết bị, GV thể dục vẫn còn nhiều bất cập. Theo đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ, khả năng giảng dạy thực hành, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm của GV TCCN còn hạn chế.

Tại buổi hội thảo, đại diện các Sở GD đề xuất việc tuyển dụng GV cần thực hiện 2 hình thức thi và xét tuyển; bồi dưỡng chuyên môn cho GV nên theo yêu cầu của GV và kinh phí phải do Sở GD đài thọ; đề nghị các cơ quan ban hành chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ theo hướng 3 ngành; nên hạ thấp sỹ số học sinh từ 45 xuống còn 35-40 em /lớp, hạ thấp số giờ dạy/tuần của GV còn 16 tiết/tuần; cần thực hiện chế độ thâm niên đối với GV; không cần thiết luân chuyển GV; nên nghiên cứu ban hành cấp giấy phép hành nghề cho GV; cần phân cấp cho nhà trường rộng hơn các lĩnh vực như tuyển dụng, tài chính, nâng bậc lương hàng năm, khen thưởng và kỷ luật.

Huỳnh Hải