Bạn đừng học HANU - VU MTESOL, nếu...

Là học viên tốt nghiệp với số điểm khá cao, chị Lê Thùy Linh (giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân) nhiều lần được văn phòng của chương trình thạc sĩ Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Victoria (Australia) (HANU-VU MTESOL) đặt tại trường Đại học Hà Nội mời tới các buổi Định hướng để tư vấn cho những học viên mới.

Sau những buổi tư vấn, tiếp xúc với các bạn cộng thêm cả quá trình trải nghiệm khóa học của chính bản thân mình, chị Linh nhận ra có rất nhiều lý do để các bạn không lựa chọn HANU-VU MTESOL, nếu:

1. Bạn không sẵn sàng cho những phương pháp học tập mới

HANU-VU MTESOL đảm bảo các yêu cầu chất lượng của một khóa học quốc tế. Trong đó, đạo đức nghiên cứu là vấn đề được thực thi một cách nghiêm túc. Trong thời gian tôi học, ngay môn đầu tiên mọi người đã bị “sốc” vì điểm không được như kỳ vọng. Lâm vào tình trạng “đạo văn” là rất dễ xảy ra, nếu không ý thức được hết tầm quan trọng của tiêu chuẩn này trong nghiên cứu quốc tế.

Giảng viên Lê Thùy Linh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Giảng viên Lê Thùy Linh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Môn thứ 2 - Cải tiến - lại cho thấy một khoảng cách lớn giữa học viên trong nước và các giảng viên quốc tế về quan điểm: Thế nào là sáng tạo? Nhiều học viên cho rằng tổ chức các phương pháp học thông qua Facebook đã là rất sáng tạo, cập nhật. Nhưng giảng viên chỉ ra: “Giảng dạy thông qua Facebook chưa đủ, mà nhận ra một vấn đề tồn đọng, và tìm ra cách giải quyết nó thì mới được coi là Sáng tạo, Cải tiến”. Với tư duy này, học viên được vào guồng rất sớm trong việc nghiên cứu, tìm kiếm phương pháp để giải quyết các vấn đề mới, thay vì chỉ dừng lại ở việc chỉ ra vấn đề.

Vì vậy, nhất thiết bạn phải thay đổi cách tư duy của bản thân để tiếp thu được những giá trị then chốt của chương trình.

Lê Thùy Linh chụp cùng các giảng viên của Đại học Victoria (VU - Australia)
Lê Thùy Linh chụp cùng các giảng viên của Đại học Victoria (VU - Australia)

2. Bạn không có tinh thần tự học

Một điều quan trọng mà tôi học được ở HANU-VU MTESOL là giá trị của việc học tập: không phải để lấy điểm số cao, mà để tìm ra những lỗ hổng kiến thức của mình và bù đắp nó.

Các giảng viên trong nước cũng như giảng viên nước ngoài đều tốt, nhiệt tình. Đặc biệt, các giảng viên nước ngoài của VU nghiên cứu rất sâu, có thể trả lời tất cả các câu hỏi trong mảng mà họ nghiên cứu. Chương trình học đã chuẩn bị rất kỹ các kỹ năng cho học viên: Trước khi nghiên cứu, trong khi nghiên cứu phải làm những gì, nghiên cứu xong phải đánh giá lại như thế nào, đều rất logic. Nếu học viên áp dụng tốt các kỹ năng đó thì sẽ thu về một khối lượng kiến thức rất lớn. Và nếu đã định đi dạy về ngôn ngữ thì đây là một kho tàng đáng giá.

Lê Thùy Linh, hàng đầu-đầu tiên từ trái qua, cùng các bạn trong Lễ tốt nghiệp HANU-VU MTESOL, khóa 2010 – 2011
Lê Thùy Linh, hàng đầu-đầu tiên từ trái qua, cùng các bạn trong Lễ tốt nghiệp HANU-VU MTESOL, khóa 2010 – 2011

3. Bạn đi học chỉ để lấy cái bằng

HANU – VU MTESOL có đầu vào rất “mở”. Chỉ cần kinh nghiệm và số điểm IELTS đạt chuẩn quy định là có thể đóng tiền, nhập học. Nhưng nếu không có động cơ học tập thực sự, thì dù đóng tiền cũng không thể có bằng.

Chính vì chương trình học không dễ lại rất nghiêm túc, nên không ai có thể học thay ai. Nhờ thế, học viên mới thu được “quả ngọt”.Bản thân tôi sau khi học xong, đi làm và gửi bài nghiên cứu đi các hội thảo giáo dục quốc tế, mới nhận ra chương trình đã đưa mình đi xa đến mức nào.

Đề tài nghiên cứu của tôi khi học khóa MTESOL là: Cải tiến hiệu quả hoạt động nhóm trong môn Viết tiếng Anh tại lớp đại học, nhằm giải quyết tình trạng ỳ trệ, ỷ lại của một số sinh viên khi tham gia các hoạt động nhóm. Rất ít tài liệu trong nước giải quyết các vấn đề này. Kết quả của đề tài này, tôi đã trình bày trong Hội thảo quốc tế về Cải tiến trong giảng dạy do Trung tâm đào tạo khu vực SEAMEO (Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á) tại Việt Nam tổ chức vào tháng 8 vừa qua. Nhiều người nghe thuyết trình đã không tin nổi đây là sản phẩm của một Thạc sĩ được đào tạo trong nước, bởi phương pháp nghiên cứu và cách quản lý hệ thống dữ liệu này mới mẻ với ngay cả những người đã du học nước ngoài.

Lê Thùy Linh thuyết trình trong Hội thảo quốc tế về Cải tiến trong giảng dạy, tháng 8/2016
Lê Thùy Linh thuyết trình trong Hội thảo quốc tế về Cải tiến trong giảng dạy, tháng 8/2016

Sau tất cả những khó khăn mà tôi vừa chia sẻ, các bạn có thể nghĩ là chương trình rất khó với các học viên không có nền tảng tốt, không có điều kiện tiếp xúc với phương pháp giáo dục của nước ngoài. Nhưng chính tôi được biết một giáo viên có tuổi, dạy cấp 3 ở một trường xa trung tâm, cực kỳ bỡ ngỡ khi tiếp cận với hệ thống học thuật của khóa học. Chị mất rất nhiều công sức đi học hỏi kinh nghiệm của các học viên cũ để có thể bắt tay vào nghiên cứu. Nhưng kết quả cuối cùng, cả 3 môn học của chị trong học phần 2 đều được các giáo viên nước ngoài cho điểm HD*, tức là cao nhất. Điều này khẳng định một lần nữa: những điều kiện nền tảng như phòng ốc hiện đại, thư viện điện tử hàng ngàn đầu sách... cũng như các giảng viên giỏi là những chìa khóa vàng mà HANU-VU MTESOL trao cho học viên, và mở ra được cánh cửa tri thức sẽ do nỗ lực của người học quyết định.

Và phương pháp nghiên cứu thực nghiệm mà chương trình học đã trao truyền sẽ giúp các giáo viên giải quyết những vấn đề, va vấp trong quá trình giảng dạy về sau. Với bản thân tôi, đến nay, vẫn thu nhận được các kết quả tích cực về tinh thần và hiệu quả học tập của sinh viên từ các biện pháp cải tiến hoạt động nhóm như đã nghiên cứu tại khóa học HANU-VU MTESOL.

* High Distinction: Xuất sắc (bậc điểm cao nhất trong hệ thống đại học Australia)