13 quốc gia, vùng lãnh thổ luận bàn Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á

(Dân trí) - Trong 2 ngày 25-26/5 tại TP Huế, Trường Đại học Sư phạm - ĐH Huế, phối hợp với Trường ĐH Quốc gia Malang (Indonesia), ĐH Hyderabad (Ấn Độ) và ĐH Mahasarakham (Thái Lan) tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ 5 về Sự gắn kết và bền vững của các quốc gia châu Á với chủ đề “Ngôn ngữ, Xã hội và Văn hóa trong bối cảnh châu Á” (LSCAC 2018).

LSCAC 2018 có hơn 120 bài báo khoa học được chọn trình bày. Có gần 100 đại biểu quốc tế từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ và hơn 160 đại biểu trong nước tham dự. 80 bài báo được chọn sẽ báo cáo tại 25 chủ đề nói, hơn 40 bài báo trình bày tại 10 chủ đề về poster...

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế lần thứ 5 về Sự gắn kết và bền vững của các quốc gia châu Á với chủ đề “Ngôn ngữ, Xã hội và Văn hóa trong bối cảnh Châu Á”
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế lần thứ 5 về Sự gắn kết và bền vững của các quốc gia châu Á với chủ đề “Ngôn ngữ, Xã hội và Văn hóa trong bối cảnh Châu Á”

Dưới sự chủ trì từ đội ngũ chuyên gia có uy tín đến từ Hoa Kỳ, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Tây Ban Nha..., nội dung của LSCAC 2018 tập trung vào các chủ đề như: Kiến trúc xã hội của các quốc gia châu Á; Các lĩnh vực Văn hóa và Ngôn ngữ; Toàn cầu hóa và cộng đồng bản địa trong bối cảnh châu Á; Các xu hướng triết học hiện đại; Tôn giáo và các xã hội châu Á hiện đại; Văn học châu Á hiện đại; Giáo dục ở châu Á; Công nghệ hỗ trợ Sư phạm; Kinh tế của các nước châu Á; Quan hệ song phương và đa phương giữa các nước châu Á; Tương lai của châu Á; An ninh xã hội của các nước châu Á; Môi trường và Dân số ở châu Á; Biến đổi khí hậu ở châu Á; châu Á và quá trình hội nhập; Giảng dạy ngoại ngữ trong bối cảnh châu Á; Du lịch châu Á; Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ở khu vực Đông Nam Á; Lịch sử của Đông Nam Á.

Đặc biệt, tham dự LSCAC 2018 còn có 3 diễn giả chính là các giáo sư đến từ các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia... trên các chủ đề hấp dẫn, thời sự, khoa học như: Hợp tác, trao đổi học thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa giữa Châu Á và thế giới: cơ hội và thách thức; Viết (Khoa học và hứng khởi sáng tạo), như một cách định vị tính nhân văn của chúng ta; Xây dựng những hội thoại thú vị và câu hỏi sư phạm thích hợp.

Ngoài ra, còn có các sự kiện khoa học bên lề hội thảo như: Buổi trao đổi về phương pháp giáo dục và làm việc với sinh viên có nhu cầu đặc biệt (tự kỷ), của GS Mellissa Melissa Underwood Morissey, đến trường ĐH Illinoise, Springfield, Hoa Kỳ với giảng viên, sinh viên và đại biểu tham dự Hội thảo; Trao đổi và thỏa thuận, ký kết hợp tác khoa học song phương và đa phương giữa Việt Nam và thế giới.

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, hội thảo LSCAC được tổ chức lần đầu tiên tại ĐH Hyderabad, Ấn Độ vào năm 2008. Qua 5 lần tổ chức, hội thảo LSCAC đã trở thành một diễn đàn quốc tế cấp cao dành cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý khoa học, giáo dục, gặp gỡ, trao đổi học thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích, những ý tưởng độc đáo và các ứng dụng nổi bật trong lĩnh vực khoa học kiến trúc, kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, môi trường.

Theo TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm (ĐH Huế), hội thảo LSCAC 2018 sẽ là dịp gắn kết mối quan hệ hợp tác giữa cán bộ giảng viên, các nhà khoa học của các trường và các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của khoa học, là nơi trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, ký kết hợp tác khoa học như trao đổi giảng viên, sinh viên, công bố các bài báo khoa học trên diễn đàn quốc tế, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trong khu vực và trên thế giới.

Đại Dương