Tiết lộ mới về những chú cừu được nhân bản vô tính

(Dân trí) - Bốn chú cừu được nhân bản từ cùng một con vật như cừu Dolly, tất cả đều có sức khỏe tốt, điều này cho thấy bệnh viêm xương khớp của nhân bản gốc có thể không phải là hậu quả của việc nhân bản.

Tất cả 4 chú cứu Debbie, Denise, Dianna và Daisy đều được nhân bản vô tính bằng cách sử dụng các tế bào từ cừu trưởng thành tương tự như Dolly mà cách đây 20 năm, chú cừu này là động vật có vú đầu tiên được nhân bản thành công. Bốn “anh chị em” của chú hiện nay đều 9 tuổi và tất cả đều khỏe mạnh.


Bốn “anh chị em” của chú cừu Dolly hiện nay đều 9 tuổi và tất cả đều khỏe mạnh.

Bốn “anh chị em” của chú cừu Dolly hiện nay đều 9 tuổi và tất cả đều khỏe mạnh.

Tuy nhiên, Dolly được chẩn đoán bị viêm xương khớp khi chú 5 tuổi, và đã chết ở tuổi thứ 6 do bệnh phổi tiến triển. Kevin Sinclair tại Đại học Nottingham cho biết: “Một trong những mối quan tâm trước đây đó là những loài được nhân bản vô tính bị lão hóa sớm”

Điều này khiến nhóm của ông đã tiến hành điều tra về tình trạng lão hóa ở các nhân bản vô tính khác. Họ đã theo dõi một đàn gồm 13 con cừu được nhân bản vô tính, trong đó bao gồm cả anh chị em ruột của Dolly, chúng được đo huyết áp, độ nhạy insulin, sức khỏe cơ xương, và các đặc điểm khác. Kevin cho biết: “Xét về tuổi tác của chúng tại thời điểm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng những nhân bản vô tính này là khỏe mạnh”.

Nhân bản an toàn

Các nhà nghiên cứu cho biết, 13 chú cừu nhân bản được so sánh với cừu nuôi tự nhiên ở cùng độ tuổi. Trong khi một số nhân bản vô tính có dấu hiệu viêm xương khớp nhẹ hoặc vừa phải, không con nào bị què hoặc cần điều trị về tình trạng này.

Dolly và anh chị em của chú đã được tạo ra bằng kỹ thuật gọi là chuyển nhân tế bào soma (SCNT), trong đó một nhân tế bào trưởng thành được đưa vào một quả trứng hiến tặng chưa thụ tinh đã được loại bỏ nhân. Để tạo ra Dolly, Ian Wilmut và nhóm của ông tại Viện Roslin ở Edinburgh, Vương quốc Anh, đã phải áp dụng kỹ thuật này đối với 277 trứng, và kết quả chỉ có 29 phôi được cấy vào các bà mẹ thay thế, và từ đó, chỉ có cừu Dolly được sinh ra.

Sinclair cho biết, trong khi SCNT vẫn chưa phải là biện pháp hiệu quả, một số nhóm đang nghiên cứu để nâng cao kỹ thuật. Điều này có thể dẫn đến viễn cảnh thực tế về việc sử dụng SCNT để tạo ra các tế bào gốc cho các mục đích điều trị ở người. Tuy nhiên, nếu những công nghệ sinh học này được sử dụng trong tương lai, chúng ta cần phải tiếp tục kiểm tra mức độ an toàn của chúng.

Minh Trang (Tổng hợp)