Tiến sỹ 8X và những trăn trở với ngành Nuôi trồng Thủy sản

(Dân trí) - Khi theo đuổi chuyên ngành Nuôi trồng Thủy sản ở Úc và Mỹ, chứng kiến các mô hình nuôi trồng ở nước bạn - rộng lớn về qui mô, chuyên sâu về khoa học kỹ thuật, bền vững về môi trường, chàng trai trẻ Đặng Toàn Vinh càng nung nấu nhiệt huyết nghiên cứu sâu hơn. Đối với Vinh, ngành theo học không chỉ đơn giản là đam mê, mà còn là trách nhiệm và khát khao đóng góp cho quê hương.

Đặng Toàn Vinh, sinh năm 1984, từng nhận học bổng toàn phần phát triển Australia cho 4 năm đại học ($180.000) và hoàn thành cử nhân xuất sắc ngành nuôi trồng thủy sản và công nghệ sinh học tại trường đại học Queensland, Úc năm 2008 và sau đó nhận học bổng toàn phần từ Hiệp hội thủy sản Úc ($184.000) để hoàn thành luận án tiến sĩ tại đại học Flinders Úc năm 2012.


Tiến sỹ Đặng Toàn Vinh - Người quyết định quay trở lại quê hương để cống hiến

Tiến sỹ Đặng Toàn Vinh - Người quyết định quay trở lại quê hương để cống hiến

Sau đó anh làm việc tại Viện nghiên cứu ASTAR – Singapore (2012-2013) và trường đại học Arizona – Mỹ (2013-2015) và đến nay có 14 bài báo (trong đó 11 bài là tác giả đầu tiên) trên các tạp chí khoa học quốc tế có chỉ số ảnh hưởng (IF) cao như Journal of Virology (5), Genome research (14,6), Environmental Microbiology (6,2), Frontiers in Microbiology (4) với tổng số trích dẫn trên 250 lượt. Những đóng góp trong nghiên cứu được ghi nhận với giải thưởng từ Hiệp hội thủy sản (2012) và Hiệp hội Vi sinh học – Úc (2012), tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh (2014).

Từ bỏ cuộc sống ổn định, mức đãi ngộ xứng đáng và môi trường làm việc chuyên nghiệp ở các nước phát triển, để về Việt Nam, hơn nữa lại trở về công tác tại trường Đại học Hạ Long ở Quảng Ninh, chứ không phải là những trung tâm kinh tế như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Vì sao chàng trai trẻ 8X Đặng Toàn Vinh lại lựa chọn con đường như vậy?

Tuổi thơ và tiếng gọi từ quê hương

Tâm sự với phóng viên, Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hạ Long, nhà chỉ cách biển có vài bước chân, nên một lẽ tự nhiên, tôi lớn lên cùng biển. Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi sáng ra chợ bến mua hải sản cùng mẹ, và đi cả ngày trên thuyền câu cá, câu mực. Rồi bao lần đi thăm trang trại ngọc trai, thăm lồng bè nuôi cá đã nuôi dưỡng trong tôi ước mơ theo đuổi ngành này.

“Nuôi trồng Thủy sản đối với tôi, không chỉ đơn giản là đam mê, mà còn là trách nhiệm và khát khao đóng góp cho quê hương” – TS Vinh nói.

Lý giải việc quyết định quay trở lại Việt Nam để công hiến, TS Vinh bộc bạch: Lao động khoa học ở đâu cũng đều đáng quí, cũng có giá trị đóng góp như nhau. Nhưng tôi muốn về Quảng Ninh, để được trực tiếp làm việc với bà con nông dân, để những kiến thức và kinh nghiệm của tôi có thể đến với bà con nhanh hơn, kịp thời hơn. Thực tế, sau hơn một năm làm việc tại trường Đại Học Hạ Long, tôi càng tin tưởng quyết định trở về của mình là đúng đắn. Được giúp đỡ người nông dân và học hỏi từ họ, được làm khoa học và chứng kiến những thành quả bước đầu hiện lên trên chính mảnh đất quê hương mình là cảm giác không gì so sánh được.

Nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng

Theo Tiến sỹ Vinh, ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam tuy phát triển nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Thứ nhất, hàm lượng khoa học kĩ thuật còn thấp. Rất nhiều hộ dân nuôi trồng tự phát, dựa trên kinh nghiệm là chủ yếu, thiếu các biện pháp phát hiện bệnh sớm và xử lý dịch. Ngay đối với các doanh nghiệp lớn thì đầu tư cho nghiên cứu và phát triển vẫn còn hạn chế, khả năng nghiên cứu độc lập kém và còn trông chờ nhiều vào nguồn ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối, nên không thể tạo nên nguồn lực đủ mạnh để có những nghiên cứu đột phá về công nghệ kỹ thuật. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của thương hiệu thủy sản Việt Nam, đồng thời, gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý môi trường. Ở đây, vai trò của Nhà nước trong việc điều phối, qui hoạch vùng là rất cần thiết.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo và trung tâm nghiên cứu chưa phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp, nên tính ứng dụng thực tiễn của các đề tài chưa cao, vừa gây lãng phí chất xám vừa làm giảm sự tín nhiệm của nông dân đối với các nghiên cứu khoa học.


Hàng ngày vẫn miệt mài nghiên cứu, Tiến sỹ Vinh đang nỗ lực tìm ra các phương pháp phát hiện bệnh mới.

Hàng ngày vẫn miệt mài nghiên cứu, Tiến sỹ Vinh đang nỗ lực tìm ra các phương pháp phát hiện bệnh mới.

“Trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao có thể xây dựng được một trung tâm chẩn đoán bệnh học với trang thiết bị hiện đại, áp dụng kĩ thuật tiên tiến như geneFISH, phageFISH, geneELISA và digital PCR. Một loạt các dịch bệnh xuất hiện trên thủy hải sản như tôm, tù hài, ngao… gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước” – Tiến sỹ Vinh nói.

Tiến sỹ Vinh cũng cho rằng, các phương pháp phát hiện bệnh phổ biến hiện nay như PCR hay tốt hơn nữa là qPCR và ISH (in situ hybridisation) đều không mang lại kết quả chính xác khi phân tích một lượng nhỏ vi rút hay vi khuẩn trong mẫu xét nghiệm (< 20-30). Sẽ có một lượng nhỏ vi sinh vật có hại từ nguồn giống hay thức ăn từ bên ngoài đưa vào khu nuôi trồng mà không thể kiểm định được bằng phương pháp hiện nay như PCR/qPCR/ISH.

Có thể giải thích tại sao nhiều trang trại nuôi thủy sản thông báo dịch bệnh mặc dù con giống và nguồn nước đều được kiểm định chặt chẽ. Kết quả âm tính khi số lượng vi rút hay vi khuẩn số lượng thấp, dưới ngưỡng phân tích được, có thể gây tác hại nghiêm trọng đến ngành nuôi trồng thủy sản và gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh không những ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Vì vậy rất cần thiết áp dụng công nghệ mới như “digital PCR”, “FISH”, hay “geneELISA” giúp chuẩn đoán dù chỉ có một vi rút hay một vi khuẩn trên một mẫu xét nghiệm.

Đã thử nghiệm thành công phương pháp phát hiện bệnh mới

Xuất phát từ những trăn trở đó, năm 2015-2016, Tiến sĩ Đặng Toàn Vinh – Khoa Thủy sản, trường Đại học Hạ Long cùng với phó giáo sư Matthew Sullivan và nhóm nghiên cứu ở trường Đại học Arizona, Mỹ là nhóm tác giả đầu tiên xây dựng quy trình và thử nghiệm thành công phương pháp geneELISA, và tối ưu hóa phương pháp phageFISH, với kết quả đăng trên tạp chí khoa học Environmental Microbiology.

Hiện nay, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Hạ Long có đầy đủ thiết bị thí nghiệm hiện đại để áp dụng 2 phương pháp trên để chuẩn đoán dịch bệnh chuẩn xác.


Tiến sỹ Đặng Toàn Vinh trao đổi hợp tác cùng đoàn chuyên gia từ Úc (TS. Michael Dove và TS. Anthony Zammit) tại khu nuôi hàu của Công ty cổ phần thủy sản Tân An.

Tiến sỹ Đặng Toàn Vinh trao đổi hợp tác cùng đoàn chuyên gia từ Úc (TS. Michael Dove và TS. Anthony Zammit) tại khu nuôi hàu của Công ty cổ phần thủy sản Tân An.

Ngoài ra trong năm học vừa qua Tiến sỹ Vinh cùng hợp tác nghiên cứu với nhà khoa học từ trường Đại học Ohio State, Mỹ và trường Đại học Flinders, Úc và đã đăng 2 bài báo trên tạp chí khoa học PeerJ và Journal of Virology

“Tôi hy vọng có thể trở thành cầu nối để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện giữa các cơ sở đào tạo, các trung tâm nghiên cứu thủy sản trong nước với các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài” – Tiến sỹ Vinh bày tỏ.

Cũng theo TS Vinh, hướng đi đúng đắn nhất hiện nay là phát triển vùng nuôi trồng theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng đến giống thủy sản, và có các biện pháp phòng trách và điều trị bệnh trên động vật thủy sản.

“Điều quan trọng nhất là phải phát triển nguồn nhân lực đủ để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Chẳng hạn như, theo kết quả điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh năm 2013, tỉnh có đến 94% lao động trong Thủy sản (trên tổng số 51 nghìn lao động) chưa qua đào tạo. Cả tỉnh chỉ có 73 người (chiếm 0,15%) có trình độ Đại học trở lên. Qua đây cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nuôi trồng Thủy sản đang khan hiếm như thế nào”- Tiến sỹ Vinh bộc bạch.

Được biết, trường đại học Hạ Long được thành lập với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Quảng Ninh để kỳ vọng phát triển Trường thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín của cả nước, trong đó khoa Thủy sản sẽ là địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn tốt để ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển ổn định và bền vững.

Nguyễn Hùng