Tại sao quan điểm của Tổng thống Trump về hiện tượng nóng lên toàn cầu lại có kẽ hở?

(Dân trí) - Liệu có lý do để nghi ngờ về biến đổi khí hậu vì một số ngày nóng nhất ở Mỹ đã xảy ra từ năm 1898 như Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí New York Times?

Trong một cuộc trao đổi ngày 22/11 với chủ báo của tờ Times – ông Arthur Sulzberger Jr. và các nhân viên về biến đổi khí hậu, Tổng thống đắc cử Trump đã phát biểu rằng ông rất khách quan đối với vấn đề này, nhưng sau đó ông bổ sung “Bạn biết đấy, ngày nóng nhất trong lịch sử đã xảy ra trong năm 1890 hay 98 gì đó. Bạn có thể đặt ra rất nhiều trường hợp theo những quan điểm khác nhau”. Ông cũng cho rằng có mối liên hệ nào đó giữa hoạt động của con người và sự nóng lên toàn cầu, “phụ thuộc vào mức độ liên hệ như thế nào”.

Tại sao quan điểm của Tổng thống Trump về hiện tượng nóng lên toàn cầu lại có kẽ hở? - 1

Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ngài Trump đã tuyên bố biến đổi khí hậu chỉ là một trò “lừa bịp” của Trung Quốc nhằm làm cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ ít cạnh tranh hơn.

Theo cơ quan National Ocean Service (NOS) của Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương quốc gia của Hoa Kỳ, vấn đề ngày nóng nhất trong lịch sử này đã dẫn đến sự hiểu lầm, đó là coi một sự kiện thời tiết đơn lẻ - chẳng hạn như một ngày đặc biệt nóng trong năm 1898 – thành bằng chứng cho/hay chống lại biến đổi khí hậu.

NOS báo cáo “thời tiết là những gì bạn nhìn thấy bên ngoài ở bất cứ ngày nào. Ví dụ như, có thể là trời nắng và có nhiệt độ là 24độ C, hoặc -7 độ C và tuyết rơi lớn”.

Ngược lại, khí hậu là mức độ trung bình của thời tiết theo thời gian. “Chẳng hạn, bạn có thể đoán trước tuyết rơi ở Đông Bắc trong tháng 1, hoặc trời sẽ nóng và ẩm ướt ở Đông Nam trong tháng 7”.

Cũng theo cơ quan này, các giá trị cực đoan, chẳng hạn như lượng mưa hoặc nhiệt độ cao/thấp kỷ lục, được gọi là các kỷ lục khí hậu vè chúng nổi bật trong một thời gian dài.

Theo các chuyên gia, trong năm 1898, cả hai vùng Oregon và Maryland đều đã đạt mức nhiệt cao kỷ lục: 66 độ C ở Oregon và 60,5 độ C ở Maryland. Tuy nhiên, nhiệt độ nóng kỷ lục này chỉ đơn giản là kỷ lục khí hậu ở hai bang nói trên, không phải là bằng chứng cho sự biến đổi khí hậu trên diện rộng.

Thay vào đó, xem xét khí hậu trong một khoảng thời gian dài sẽ mang đến cho các nhà nghiên cứu những ý tưởng tốt hơn về xu thế của khí hậu. Chẳng hạn như, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cho biết, năm 2016 được dự kiến là năm nóng kỷ lục bởi vì biên độ đáng kể: nhiệt độ trung bình của thế giới cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hơn nữa, theo một báo cáo riêng của WMO, từ 2011 – 2015 là giai đoạn 5 năm nóng kỷ lục. Khi 2016 chính thức trở thành năm nóng nhất được ghi lại, thì 16 trong 17 năm nóng nhất sẽ xảy ra kể từ năm 2000, với năm Elnino 1998 là ngoại lệ duy nhất.

Theo NASA, 97% các nhà khoa học đồng ý rằng sự nóng lên đang diễn ra nhanh chóng này không phải do nguyên nhân tự nhiên, mà chủ yếu là do kết quả các hoạt động của con người.

Theo Jennifer Francis, một giáo sư nghiên cứu tại Khoa Khoa học Hải dương và Ven biển của Đại học Rutgers, New Jersey (Mỹ), những mức tăng nhiệt độ này là phù hợp với dự đoán về phản ứng của hệ thống khí hậu đối với sự gia tăng khí nhà kính.

Trong cuộc phỏng vấn với ngài Trump, Sulzberger cũng đã lồng một sự kiện thời tiết đơn lẻ là Cơn bão Sandy – cơn bão đã oanh tạc vùng Caribe và Bờ Đông nước Mỹ năm 2012 – với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, vẫn còn cuộc tranh luận về việc Bão Sandy có phải là hậu quả của biến đổi khí hậu hay không. Nhìn chung, các nhà khoa học vẫn do dự khi nói rằng biến đổi khí hậu đã gây ra cơn bão năm 2012, tuy nhiên vẫn có một số người cho rằng biến đổi khí hậu đã góp phần tạo ra nó.

Ví dụ như, Kevin Trenberth – một nhà khoa học cấp cao ưu tú của Bộ phận Phân tích khí hậu tại Trung tâm nghiên cứu Khí quyển Quốc gia (Mỹ) - cho rằng đại dương ấm áp và không khí ẩm ướt đã mang đến sức mạnh cho các cơn bão hiện có.

Hơn thế nữa, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences hồi tháng 10, nó có thể sẽ gây ra lụt lội trong tương lai từ các cơn bão, và các cơn bão cũng sẽ trở nên nặng nề hơn vì biến đổi khí hậu làm mực nước biển tăng lên.

Anh Thư (Tổng hợp)