Tại sao người ta hay thêm “ừm, à, ờ” khi nói chuyện?

(Dân trí) - Nếu bạn để ý khi người ta thêm các từ đệm “ừm” “ờ” hay một từ đệm nào khác trong khi tạm ngưng câu nói, bạn sẽ thấy các từ đệm này thường chỉ được phát âm trước một danh từ.

Tại sao người ta hay thêm “ừm, à, ờ” khi nói chuyện? - 1

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng khi mọi người đang nói giữa chừng và chuẩn bị đến một từ được phát âm chậm rãi hơn hoặc đơn giản là trước khi họ lấy hơi để nói tiếp thì từ sắp được nói ra đó thường là một danh từ chứ không phải động từ.

Đó là vì hình dung ra đối tượng được diễn tả bằng danh từ tạm thời làm chúng ta nói chậm lại, còn các từ chỉ hành động, ví dụ như động từ, thì không cần nhiều thời gian để “nhìn” thấy trong đầu trước khi chúng ra khỏi miệng.

Sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố sẽ định hình tốc độ nói của mỗi người, và những yếu tố này bao gồm tần suất và mức độ người đó quen dùng các từ được nói ra.

Trên thực tế, các nhà khoa học đã từng quan sát thấy những khoảng dừng trước những từ ngữ không quen thuộc hoặc phức tạp, điều đó phản ánh người nói gặp khó khăn khi sắp xếp các từ này.

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học phân tích hàng nghìn đoạn ghi âm, nghe nhịp điệu của gần 300.000 từ trong các cụm từ, của 9 ngôn ngữ ở các vùng châu Âu, Bắc Mĩ, Mê-hi-cô, Xi-bê-ri, Hi-ma-lay-a, A-ma-dôn và sa mạc Ka-la-ha-ri.

Trong 9 ngôn ngữ đó, họ phát hiện ra rằng 60% những khoảng tạm dừng hoàn toàn yên lặng hoặc tạm dừng với các âm đệm là xuất hiện trước các danh từ. Mọi người cũng thường hắng giọng “e hèm” “ừm” “ờ, à” trước các danh từ nhiều gấp đôi so với trước khi dùng động từ, ngay cả khi những động từ đó họ vốn quen dùng.

Trong văn nói bình thường, các danh từ thường được dùng để bổ sung thông tin mới mẻ, còn không thì mọi người hay bỏ qua hoặc thay thế các danh từ đó bằng đại từ. Vì thế mà mọi người cần thêm “thời gian lên kế hoạch” để nói được các danh từ, ngay cả với những danh từ không phức tạp.

Cho dù các ngôn ngữ khác nhau có cách diễn đạt đa dạng khác nhau về cấu trúc ngữ pháp và tình huống văn hóa, thì có những nhịp điệu trong lời nói vẫn tuân theo một số kiểu nhất định, những kiểu nói này liên quan đến việc sử dụng danh từ và động từ.

Các phát hiện nói trên do nhà nghiên cứu Frank Seifart của Khoa Ngôn ngữ và Nghiên cứu Văn chương, Trường đại học Amsterdam, Hà Lan là tác giả chính. Nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp đã được công bố trên tạp chí Kỉ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kì vào ngày 14/5/2018 vừa qua.

Phạm Hường (Theo Live Science)