Tại sao người cao tuổi ngủ kém hơn?

(Dân trí) - Tới gần đây, đa số các chuyên gia về giấc ngủ thường cho rằng nhu cầu ngủ của người cao tuổi thấp hơn bởi họ sinh hoạt ít hơn, cơ thể hoạt động chậm hơn, ít mệt hơn, cho nên họ không cần ngủ nhiều để tái tạo sức lực. Nhưng giấc ngủ không chỉ để tái tạo sức lực mà còn để củng cố trí nhớ.

Người cao tuổi thường có vấn đề về trí nhớ. Thế nên các nhà khoa học đi tìm những giải thích khác để, nếu có thể ngừa bệnh và giúp trí nhớ bằng giấc ngủ.

Một nghiên cứu tóm tắt các công trình từ ba mươi năm nay đặt lại vấn đề sự giảm thiểu của nhu cầu ngủ và bắt đầu đưa giả thuyết. Theo đó những rối loạn giấc ngủ của người già là một vấn đề thuộc khả năng của não bộ trong việc sản xuất những sóng chậm mà giấc ngủ sâu cần.

Xin nhắc lại, giấc ngủ bình thường gồm có nhiều chu kỳ. Mỗi chu kỳ có ngủ nông, ngủ sâu và ngủ mơ. Các bác sĩ phân biệt các “loại giấc ngủ tùy theo đặc điểm của sinh hoạt não bộ mà họ đo được. Thí dụ như ở ngủ nông thì sóng não là loại onde teta et spindle, ở ngủ sâu là sóng loại delta, còn ở ngủ mơ thì sinh hoạt não cũng dày đặc như lúc ta thức – thế nên ngủ mơ còn gọi là ngủ paradoxal – trái ngược – hay REM Sleep , chữ tắt của Rapid Eye Movement.

Phần nhiều, phần đầu của đêm, ta có nhiều lúc ngủ sâu. Còn lúc gần sáng thì nhiều ngủ mơ.

Những điều ta đã biết về giấc ngủ người cao tuổi

Tới bây giờ, ta biết là người cao tuổi, nhất là nam giới, ngủ ít hơn về thời gian - trung bình, sau 60 tuổi và nhất là sau khi nghỉ hưu, họ ngủ 5 hay 6 giờ mỗi đêm thay vì 7 hay 8 giờ, trung bình giấc ngủ của người trẻ. Chẳng những thế, về chất lượng, người cao tuổi ngủ nông hơn vì họ thức giấc nhiều lần hơn mỗi đêm và mỗi lần thì phải cố gắng “làm quen” với giấc ngủ lại, mất thời gian cho loại ngủ nông và từ đó ngủ sâu cũng như ngủ mơ, ít hơn.

Ta cũng biết rằng ngủ sâu là để tái tạo sức lực, đào thải những chất độc hại – trong đó có toxines Beta 2 amyloide, một trong những cấu thành của bệnh alzheimer– chuẩn bị năng lượng cho một ngày mới, còn ngủ mơ là để chỉnh đốn những sự việc vừa sống ban ngày, để “ghi vào” và củng cố trí nhớ. Chính vì thế mà thông thường người già nhớ rất rõ những kỷ niệm xưa nhưng quên các sự kiện gần.

Ngủ thiếu chất lượng thì hai vai trò này không được hoàn thành và có thể vì thế mà người lớn tuổi hay ngủ gà ngủ gật ban ngày và hay quên.

Hiện các nhà khoa học chưa khẳng định liên hệ giữa giấc ngủ “xấu” và sự kém cỏi của trí nhớ. Vì cần nhiều nghiên cứu kiểm chứng liên hệ nguyên nhân và hậu quả giữa hai hiện tượng.

Trong lúc chờ đợi, các bác sĩ về giấc ngủ khuyên người cao tuổi

- Sinh hoạt ban ngày bình thường nhất có thể, với những hoạt động thể hình vào buổi sáng, ngoài trời lúc nắng ban mai.

- Đi ngủ đúng giờ, không quá sớm, tốt nhất là khoảng từ 21-22 giờ – người nghỉ hưu thường có thói quen đi ngủ sớm, hay trằn trọc khó ngủ nên tự nghĩ rằng mình bị chứng mất ngủ.

- Không quá tin tưởng vào thuốc ngủ. Đại đa số các thuốc ngủ chỉ giúp ngủ nông. Không có lợi cho trí nhớ. Có khi dùng melatonin còn tốt hơn; ít có hại hơn. Melatonin là một loại hoóc môn mà chính cơ thể ta tự bào chế được, dưới ảnh hưởng của trời tối – nhưng về già, sau 50-60 tuổi, khả năng tự bào chế này biến mất – vậy nên dùng melatonin bán ở nhà thuốc.

- Uống ít nước trước khi đi ngủ để giảm thiểu nhu cầu đi tiểu ban đêm.

- Nếu có những đau đớn về khớp thì nên trị dứt điểm vì đau đớn làm mất giá trị sống ban ngày đã đành rồi, mà còn làm tăng khó khăn cho giấc ngủ ban đêm.

Khi có vấn đề về giấc ngủ, nhất là ngáy to, hay bị ngừng thở lúc ngủ, .. thì nên đi khám bệnh.

Nguyễn Huỳnh Mai

Liège, Bỉ