Tại sao người béo phì lại gặp khó khăn khi muốn giảm cân?

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây đã làm sáng tỏ một số lý do tại sao rất ít người béo phì có thể giảm cân thành công.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người thừa cân và béo phì có những quan điểm khác nhau rõ rệt về chế độ ăn uống và tập thể dục so với người bình thường. Cụ thể, hương vị là sự cân nhắc hàng đầu của những người béo phì khi họ lựa chọn thức ăn, họ hiếm khi kiểm tra số liệu dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm, bên cạnh đó mối quan hệ của người béo phì với thức ăn thường có xu hướng bốc đồng và cảm xúc hơn.

Tại sao người béo phì lại gặp khó khăn khi muốn giảm cân? - 1

Bên cạnh mặt ăn uống, việc ít tập thể dục hơn người bình thường cũng là lí do họ không thể giảm cân hiệu quả.

Chi phí cũng là một yếu tố quan trọng, nhiều người béo phì nghĩ rằng thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe thì có giá cả đắt hơn.

Vậy tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với các nỗ lực y tế công cộng để giải quyết bệnh béo phì tại Mỹ?

Tác giả báo cáo Hank Cardello, giám đốc Trung tâm chính sách lương thực của Viện Hudson tại Washington, DC phát biểu rằng: "Sự khác biệt chính tồn tại giữa các chính sách liên quan đến thực phẩm, tư duy và động lực của người dân mà những chính sách này ảnh hưởng đến".

Hiện nay có nhiều người quan tâm và sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Nhưng xu hướng đó dường như không áp dụng đối với những người Mỹ bị bệnh thừa cân và béo phì. Các kiểu ăn uống và thái độ của họ giống như những người tiêu dùng truyền thống điển hình của thập niên 70 và 80.

"Điều này cho thấy rằng các phương pháp giáo dục truyền thống cố gắng thay đổi hành vi ăn uống, sẽ không có hiệu quả", Cardello nói thêm.

Trong cuộc khảo sát, 2.000 người trả lời đã được sắp xếp thành bốn hạng: trọng lượng khỏe mạnh (BMI 18,5 đến 24,9); hơi béo phì (BMI 25 đến 27); thừa cân nhiều (BMI 27.1 đến 29.9); và béo phì (BMI từ 30 trở lên).

Thái độ với thực phẩm đã có những sự khác biệt giữa các nhóm.

Trong khi 44% người thuộc nhóm cân nặng khỏe mạnh cho rằng sức khỏe và dinh dưỡng là một mối quan tâm hàng đầu khi mua thực phẩm, con số đó giảm dần theo mức độ cân nặng. Chỉ một phần ba số người tham gia ở hạng thừa cân nhiều có chung cảm nhận với nhóm có cân nặng khỏe mạnh.

Gần hai phần ba (62%) số người thuộc nhóm người thừa cân nhiều thừa nhận rằng họ nên ăn uống lành mạnh hơn nhưng họ đã không làm như vậy. Họ nhiều khả năng đã bỏ qua việc đọc các nhãn dinh dưỡng, và họ đã ăn những đồ đồ ăn nhẹ, khoai tây chiên, bánh ngọt, bánh nướng, kem, bánh quy và soda.Họ cũng ít có khả năng tránh sử dụng các đồ có đường hoặc tìm kiếm các loại chất tạo ngọt tự nhiên không calo.

Về mặt tích cực, mặc dù 60% người thừa cân nói rằng họ sẽ không từ bỏ việc ăn các loại đồ ăn nhẹ hoặc nước ngọt nhưng họ đã có những biểu hiện tích cực qua việc ăn với một khẩu phần nhỏ hơn.

Nhưng giá cả là một lý do khi 50% những người béo phì hoặc thừa cân không sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khoẻ.

Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng hoạt động thể chất cũng là một vấn đề. Một phần tư người tham gia thuộc nhóm béo phì cho thấy họ không bao giờ tập thể dục, so với 15 phần trăm những người không tập thể dục của của nhóm người khỏe mạnh.

Kết quả của Cardello được công bố vào tháng 6 trong một báo cáo của Viện Hudson.

Cardello kết luận: “Thông điệp đại chúng về vấn đề để ăn uống lành mạnh hơn và tập thể dục sẽ phải chịu số phận thất bại khi đối mặt với những người béo phì hiện nay.”

"Ví dụ, chỉ ghi nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm thì không thể khiến cho quá trình làm giảm bệnh béo phì thành công". Chúng ta cần kêu gọi một nỗ lực lớn hơn "để xác định những cách tốt nhất để giao tiếp với nhóm người thừa cân / béo phì để từ đó xác định cách tối ưu để thúc đẩy khả năng tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khoẻ."

Lona Sandon là giám đốc bộ phận dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Southwestern của Đại học Texas tại Dallas đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước những phát hiện này, cô lưu ý "nó là một hiện tượng nổi bật khi chỉ ra rằng kiến ​​thức và giáo dục không phải là yếu tố duy nhất quyết định thay đổi hành vi."

Sandon nói thêm rằng "phần lớn tin nhắn về sức khỏe là về giáo dục và nhận thức. Điều này chỉ có thể thay đổi hành vi của một số ít người - những người tin rằng nó sẽ tạo nên sự khác biệt."

Và, "bởi vì đẩy lùi béo phì là việc khá khó khăn để thành công, mọi người có thể đã cố gắng nhưng không thành công để giảm cân bằng cách ăn các chế độ ăn khác nhau hoặc tập thể dục thêm. Khi chiến lược giảm cân của họ không đạt kết quả như mong đợi, họ thường sẽ cảm nhận những hành động đó là vô dụng," cô giải thích.

"Sự thừa cân và béo phì là một vấn đề xã hội/văn hóa hơn là một vấn đề hành vi cá nhân," Sandon nói. "Điều này có nghĩa là phải thay đổi nhiều thứ như cách chúng ta xây dựng thành phố, môi trường làm việc, công nghiệp thực phẩm,... nó cần phải vượt ra ngoài nhận thức và giáo dục."

Thiên Hương (Theo UPI)