Sự stress của người này có thể làm thay đổi não bộ người khác không?

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát hiện rằng stress truyền từ người khác sang có thể làm thay đổi não bộ tương tự như một cơn stress thật.

Sự stress của người này có thể làm thay đổi não bộ người khác không? - 1

Trong một nghiên cứu mới đăng trên tờ Nature Neuroscience, Jaideep Bains, PhD, và đội nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Não bộ Hotchkiss của Trường Y Cumming tại Đại học Calgary đã phát hiện ra rằng stress truyền từ người khác sang có thể làm biến đổi não bộ theo cách tương tự như một cơn stress thật. Nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy ảnh hưởng của stress lên não bộ có thể đảo ngược ở chuột cái có tương tác xã hội sau đó. Điều này không đúng với chuột đực.

“Những thay đổi ở não bộ liên quan đến stress là cơ sở cho nhiều loại bệnh tâm thần bao gồm Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn lo âu và trầm cảm”, Bains, giáo sư Khoa Tâm lý học và Dược học và là thành viên của HBI, cho biết: “Các nghiên cứu gần đây cho thấy stress và các cảm xúc có thể lây truyền. Chưa rõ điều này có hậu quả lâu dài đối với não bộ hay không”.

Đội nghiên cứu của Bains nghiên cứu ảnh hưởng stress trên các cặp chuột đực và cái. Đầu tiên, họ tách riêng những con chuột này. Sau đó, họ cho một con trong mỗi cặp chuột tiếp xúc với một dạng stress nhẹ trước khi trả chúng lại về đôi của mình. Tiếp theo, họ kiểm tra phản ứng của các nơ-ron hooc-môn giải phóng corticotropin (CRH) – có vai trò kiểm soát phản ứng của não bộ với stress – ở cả hai con chuột. Kết quả là hệ thống não bộ của cả con chuột bị stress và con chuột không bị đều thay đổi tương tự nhau.

Tác giả chính của nghiên cứu, Toni-Lee Sterley, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, đã giải thích: “Điều đáng chú ý là các nơ-ron CRH từ những con chuột không trực tiếp tiếp xúc với stress biểu hiện những thay đổi giống với những gì chúng tôi đo được ở những con chuột bị stress”.

Kế tiếp, đội nghiên cứu sử dụng phương pháp quang di truyền để bố trí những nơ-ron này để có thể“bật và tắt” nơ-ron bằng ánh sáng. Khi đội nghiên cứu tắt những nơ-ron này trong lúc tiếp xúc với stress, chúng ngăn chặn những thay đổi ở não thường diễn ra sau khi bị stress. Khi họ tắt nơ-ron ở những con chuột còn lại trong khi nó tương tác với con chuột bị stress, thì những con chuột này sẽ không bị lây stress. Đáng chú ý là, khi họ dùng ánh sáng kích hoạt những nơ-ron này ở một con chuột, kể cả không bị stress, não bộ của con chuột nhận được ánh sáng và của con còn lại đều thay đổi như sau một cơn stress thật.


Jaindeep Bains, giáo sư Khoa Tâm lý học và Dược học, và Toni-Lee Sterley, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của Bains và là tác giả chính của nghiên cứu - Ảnh từ Adrian Shellard, Viện Nghiên cứu Não bộ Hotchkiss.

Jaindeep Bains, giáo sư Khoa Tâm lý học và Dược học, và Toni-Lee Sterley, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của Bains và là tác giả chính của nghiên cứu - Ảnh từ Adrian Shellard, Viện Nghiên cứu Não bộ Hotchkiss.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc kích hoạt các nơ-ron CRHnày tạo ra một tín hiệu hóa học (hay “kích thích tố báo động”), từ con chuột này sẽ cảnh báo cho bạn nó. Con chuột nhận được tín hiệu có thể tiếp tục cảnh báo những thành viên khác trong đàn. Việc truyền tín hiệu stress này tiết lộ một cơ chế quan trọng trong việc truyền thông tin có lẽ rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới xã hội ở nhiều loài.

Một ưu điểm khác của mạng lưới xã hội là khả năng làm giảm bớt các tác động của những sự kiện bất lợi. Đội nghiên cứu của Bains cũng tìm thấy bằng chứng về việc giảm bớt stress, nhưng có chọn lọc. Họ chú ý thấy ở những con chuột cái, tác động thặng dư của stress lên các nơ-ron CRH đã giảm trong gần một nửa thời gian tiếp xúc với những con chuột cùng cặp không bị stress. Điều này không đúng với chuột đực.

Chúng ta vẫn chưa biết liệu cơ chế tương tự có áp dụng với con người như ở chuột không, nhưng Bains cho hay có lí do chính đáng để tin là có.“Chúng ta dễ dàng truyền sự căng thẳng của mình sang cho người khác, đôi khi không hề hay biết điều đó. Có bằng chứng cho thấy vài triệu chứng của stress có thể tồn tại trong gia đình và người thân của những người bị Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Mặt khác, khả năng cảm nhận trạng thái cảm xúc của người khác là điều quan trọng trong việc tạo ra và xây dựng mối liên kết xã hội”.

Nghiên cứu này của đội nghiên cứu của Bains chứng minh rằng stress và tương tác xã hội có mối liên hệ phức tạp. Kết quả của những tương tác này có thể kéo dài và ảnh hưởng tới hành vi sau này.

Lộc Ninh (Theo IFLScience)