Sinh vật nửa người, nửa thú: Thành tựu y học hay tai họa?

Trong thần thoại Hy Lạp, Chimera là quái vật đầu sư tử, đuôi rắn, có thêm chiếc đầu dê mọc ra từ phía sau. Ngày nay, bằng công nghệ hiện đại, con người đã tạo ra những sản phẩm Chimera mới, “họa nhiều hơn phúc” cho chính nhân loại trong tương lai.

Sản phẩm Chimera quá khứ và hiện tại

Cách đây trên 120 năm, trong tác phẩm khoa học viễn tưởng The Island of Doctor Moreau (Hòn đảo của bác sĩ Moreau), tác giả H. G. Wells người Anh đã đề cập đến sản phẩm nửa người nửa thú. Đầu những năm 20 ở thế kỷ trước, báo chí đã phanh phui dự án của nhà khoa học Nga Ilia Ivanov, biệt danh Red Frankenstein, người đã cố gắng chứng minh mối quan hệ tiến hóa gần gũi giữa con người với loài linh trưởng khác, bằng cách tạo ra một con vật lai giữa người và thú (Chimera).

Cho thụ tinh tinh trùng của loài tinh tinh với tinh trùng người, thậm chí Ivanov còn cố gắng ghép buồng trứng của một phụ nữ vào một con tinh tinh có tên là Nora, nhưng con vật này đã chết trước khi có thể thụ thai. Tuy thất bại, Ivanov vẫn không nản chí, quyết định “chiêu sinh” 5 phụ nữ Liên Xô tình nguyện làm người mang thai.

Đáng tiếc, người cha tương lai có tên là Tarzan đã chết vì xuất huyết não trước khi có thể tham gia dự án này. Việc làm của Ivanov cuối cùng đã bị lật tẩy, bị bắt và lưu đày tại Kazakhstan năm 1930, vì những thí nghiệm được xem là kì cục, phi nhân đạo và phản khoa học.


Sản phẩm Chimera lai giữa người và động vật.

Sản phẩm Chimera lai giữa người và động vật.

Sau 100 năm trôi qua, đầu năm 2017 mới đây trên tại chí Cell của Mỹ đã công bố nghiên cứu của Viện Salk, California (SI), Mỹ, lai tạo thành công phôi thai đầu tiên giữa người và lợn. Tạo ra một sinh vật nửa người nửa thú chimera đầu tiên của nhân loại thế kỷ 21. Sản phẩm rất đặc biệt, được “chống lưng” bởi các phát minh liên quan đến tế bào gốc và chỉnh sửa gen, cho ra đời sinh vật chimera, chủ đề tranh cãi bất phân thắng bại về đạo đức, pháp luật lẫn khoa học thuần túy.

Đây cũng là hòn đá tảng cản trở nghiên cứu của SI, nên dự án chỉ dừng lại ở giai đoạn phôi chimera chứ không được phép chuyển sang giai đoạn bào thai. Điều này có thể hiểu, một thực thể sinh ra với hình hài là lợn, nhưng bên trong lại là nội tạng người, gồm tim, phổi, gan… và thậm chí cả các tế bào não.

Tuy gây nhiều rắc rối, nhưng có người lại cho rằng đấy là bước tiến, tạo ra những kho nội tạng phong phú để cung cấp vật liệu cấy ghép cho con người, khắc phục tình trạng khan hiếm nội tạng, và chữa nhiều loại bệnh như đái tháo đường, suy giảm trí nhớ hay suy thận...


Phôi chimera lai giữa lợn và người giai đoạn đầu mới được hình thành.

Phôi chimera lai giữa lợn và người giai đoạn đầu mới được hình thành.

Công bố kết quả trên tạp chí Cell, các chuyên gia SI cho hay, họ đã tiêm tế bào gốc người vào hàng loạt phôi lợn mới được một vài ngày tuổi. Hơn 2.000 phôi được chuyển vào cơ thể của lợn mẹ để phát triển, 150 phôi trong số đó phát triển thành sinh vật chimera.

Những sinh vật này có dạng lợn chiếm ưu thế, với khoảng 1 tế bào người trên 100.000 tế bào lợn. 28 ngày là khoảng thời gian tối đa các phôi chimera được phép phát triển. Nhưng sau đó các phôi chimera đều được chủ động phá hủy.


Hình ảnh một phôi nang lợn được tiêm tế bào người.

Hình ảnh một phôi nang lợn được tiêm tế bào người.

Theo Jun Wu, trưởng nhóm nghiên cứu của SI, có hai cách để tạo ra một chimra. Thứ nhất, đưa các cơ quan của một con vật này vào cơ thể của con vật kia, phương án mạo hiểm bởi hệ thống miễn dịch của vật chủ sẽ từ chối vật ngoại lai.

Phương pháp còn lại là bắt đầu ngay từ giai đoạn phôi thai, đưa các tế bào của một động vật vào phôi của một con khác và để chúng cùng phát triển thành giống lai như trường hợp ở lợn, nhưng nó lại gặp rủi ro là thời gian mang thai của hai loài không giống nhau như của người và lợn, nhưng khi các công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR-Cas9 ra đời, người ta có thể khắc phục dần các nhược điểm nói trên.

Theo Jun Wu, đến nay nhóm nghiên cứu ở SI đã tạo ra 186 phôi giai đoạn chimera, trong mỗi phôi này cứ 100.000 tế bào lợn thì có 1 tế bào người và hiện đang được nghiên cứu tiếp để tăng số lượng tế bào người trong các phôi chimera nói trên.

Vì sao động vật nửa người nửa thú lại bị lên án?

Theo BBC, nhiều người cho rằng nghiên cứu nói trên có thể tạo ra các bộ phận hiến tặng chữa bệnh, nhưng nó cũng khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn và ghê sợ. Việc nhào trộn sinh học giữa người với động vật được coi là phi tự nhiên, làm cho chính con người thấy ghê sợ.

Thế giới sẽ ra sao nếu sinh vật người - lợn bước ra khỏi phòng thí nghiệm và thống trị thế giới?. Ngay cả thực vật, như quả boysenberry (được lai giữa quả mâm xôi khác nhau như raspberry, blackberry, dewberry và loganberry), hay quả quýt đường (được lai giữa quýt và cam) khi sử dụng cũng làm cho người dùng thấy đáng ngại.


Sản phẩm chimera không chỉ mang tính phi đạo đức mà còn mang đến thảm họa cho con người.

Sản phẩm chimera không chỉ mang tính phi đạo đức mà còn mang đến thảm họa cho con người.

Một lý do khiến sự lai giữa người với heo trở thành “họa” bởi nó khiến con người sợ hãi nghĩ tới cái chết của bản thân. Khả năng heo có thể phát triển tụy mới cho con người, điều này đồng nghĩa con người cũng là vật, lời nhắc về nỗi sợ liên quan đến sự sống.

Quan niệm cho rằng con người là động vật thượng đẳng, có tâm hồn còn loài vật khác thì không. Việc thu hoạch những trái tim người từ những con dê hay con lợn... sẽ làm đổ vỡ niềm tin về chính con người, và đến một lúc nào đó, con người sẽ bị mất vị trí độc tôn, chưa kể những cảm giác ghê tởm khi chúng ta ăn thịt lợn, mà chính nó đã cung cấp nội tạng cho con người.

“Việc tạo ra sinh vật chimera là sự bôi nhọ nhân phẩm của loài người, làm mờ đi ranh giới giữa người và các sinh vật hạ đẳng. Điều gì sẽ xảy ra nếu một con vật có đầy đủ các tế bào não của chúng ta, có thể suy nghĩ và cảm nhận như một con người? Đó hẳn là một linh hồn người bị đầy đọa, trong thể xác của một con lợn hoặc khỉ. Tương lai của con cháu chúng ta sẽ ra sao nếu phải phân biệt một sinh vật giữa người và lợn. Chúng sẽ phải đối xử với nhau như thế nào về mặt đạo đức, nếu lợn trà trộn vào cơ thể con người, trong khi con người vẫn xài thịt lợn ?”, Hank Greely, chuyên gia đạo đức sinh học ở Đại học Stanford nói với phóng viên BBC.

Cũng theo BBC, do tranh cãi nên tại nhiều quốc gia, như Mỹ, quốc hội hiện đang xem xét dự luật cấm nghiên cứu sinh vật chimera, hình phạt lên tới 1 triệu USD và 10 năm tù. Viện Y học Quốc gia Mỹ tuyên bố không bao giờ tài trợ cho bất kể dự án nào cho dạng đề tài này, đồng thời hứa giám sát chặt các thử nghiệm cấy tế bào gốc người vào phôi thai động vật.

Trong khi lệnh cấm chưa được ban hành thì ngay tại Mỹ các thử nghiệm nói trên vẫn sôi động và được tài trợ từ phía tư nhân. Đơn giản, nó tạo ra nội tạng cấy ghép, như phẫu thuật cấy ghép gan, thận, thậm chí cả cấy ghép não chữa bệnh Alzheimer... Riêng tại Mỹ có khoảng 120.000 người đang chờ nội tạng hiến tặng, mỗi ngày có chừng 20 người chết vì chờ đã lâu nhưng không đến lượt. Chưa hết, nó còn có thể được sử dụng để thử nghiệm các loại thuốc như bệnh phổi, bệnh xơ nang trong lợn chimera sẽ tốt hơn so với các loài vật khác.

Theo DS. Trang Nhung/Khoa học Đời sống