Răng bị tổn hại có thể mọc lại tự nhiên nhờ thuốc điều trị Alzheimer

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã có một phát hiện đột phá khi tìm thấy một phương pháp tự nhiên để các răng đã bị sâu có thể mọc lại, điều này có thể làm giảm đáng kể nhu cầu trám (hàn) răng.

Răng bị tổn hại có thể mọc lại tự nhiên nhờ thuốc điều trị Alzheimer - 1

Các nhà nghiên cứu tại trường King’s College London (KCL), Anh đã phát hiện rằng, một loại thuốc được thiết kế để điều trị bệnh Alzheimer có thể kích thích khiến cho răng có khả năng tạo ra ngà răng mới để điền vào các lỗ sâu lớn.

Hiện nay, răng có thể tự xử lý với các khu vực bị tổn hại nhỏ bằng quá trình tương tự, tuy nhiên, khi các lỗ sâu trở nên quá lớn thì nha sĩ cần phải chèn xi-măng nhân tạo vào hoặc răng sẽ bị mất đi. Giáo sư Paul Sharpe, tác giả chính của bài báo về nghiên cứu này trên tạp chí khoa học Scientific Reports cho biết: “Hầu như mỗi người trên hành tinh này đều bị sâu răng vào một thời điểm nào đó – luôn có một số lượng rất lớn người phải điều trị sâu răng. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng để tìm ra một phương pháp thực sự đơn giản, nhanh chóng và rẻ tiền”

“Sự đơn giản của phương pháp tiếp cận này làm cho nó trở thành một sản phẩm nha khoa lý tưởng trong các phòng khám để điều trị các lỗ sâu lớn, bằng cách vừa bảo vệ tủy và vừa phục hồi ngà răng”.

“Ngoài ra, việc sử dụng một loại thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng cho bệnh Alzheimer mang đến một cơ hội thực sự để có thể đưa phương pháp điều trị này vào phòng khám một cách nhanh chóng”.

Khi một chiếc răng bị hư hỏng hoặc bị sâu, phần tủy bên trong có thể sẽ bị lộ ra và gây nguy cơ nhiễm trùng nhiều hơn. Nếu điều này xảy ra, ngà răng – phần vật liệu cứng tạo nên phần lớn răng – sẽ cố để nối liền các khoảng cách này và che phần tủy lại.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng, cơ chế sửa chữa tự nhiên này có thể được tăng cường nếu sử dụng thuốc Tidegulsib. Trước đây, loại thuốc này đã được thử nghiệm để điều trị các bệnh rối loạn thần kinh khác nhau, trong đó có bệnh Alzheimer.

Nó hoạt động bằng cách kích thích các tế bào gốc – loại tế bào có thể biến thành bất kỳ mô nào trong cơ thể - đã có sẵn trong tủy để tạo ra ngà răng mới.

Trong cuộc thử nghiệm ở chuột nhắt, thuốc này và một chất gọi là glycogen sunthase kinase được sử dụng cho răng với một miếng bọt biển phân hủy sinh học chế tạo từ collagen. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi chỗ sâu được lấp đầy bởi miếng bọt biển ngâm trong thuốc, răng sẽ dần dần tự liền lại.

Một vài tuần sau đó, khi miếng bọt biển này bị phân hủy, nó được thay thế bởi ngà răng “để hoàn thành việc sửa chữa một cách tự nhiên”.

Các nhà khoa học trường King’s College tuyên bố “Phương pháp tiếp cận sinh học mới lạ này cho thấy răng có thể sử dụng khả năng tự nhiên của mình để chữa các lỗ sâu lớn, và sẽ không còn phải sử dụng xi-măng hoặc các chất hàn răng nữa (đây là phương pháp dễ bị nhiễm trùng và thường cần phải thay thế nhiều lần).

“Thật vậy, khi vết trám răng bị lỗi hoặc xảy ra nhiễm trùng, các bác sĩ nha khoa sẽ phải loại bỏ rồi hàn vào một diện tích lớn hơn chỗ bị ảnh hưởng, và sau nhiều lần điều trị, cuối cùng có thể sẽ phải nhổ cả răng đi. Vì phương pháp này khuyến khích răng tự sửa chữa một cách tự nhiên, nó có thể loại bỏ tất cả những vấn đề này, và mang đến một giải pháp tự nhiên hơn cho bệnh nhân”

Câu hỏi còn lại là liệu phương pháp này sẽ được mở rộng thành công đối với răng người và những lỗ sâu lớn hơn hẳn? Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm kỹ thuật này trên các loài chuột lớn hơn, với kích thước răng lớn hơn răng của chuột nhắt tới 4 lần. Và nếu kế hoạch này thành công, thì kỹ thuật này sẽ được áp dụng để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở bệnh nhân vào cuối năm nay.

Anh Thư (Tổng hợp)