Phát hiện một hành tinh mới được cho là tốt nhất để tìm kiếm sự sống

(Dân trí) - Các nhà khoa học công bố về một hành tinh vừa mới phát hiện được cho là nơi tốt nhất để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.


Hình ảnh minh họa về ngoại hành tinh LHS 1140b

Hình ảnh minh họa về ngoại hành tinh LHS 1140b

Theo các nhà khoa học thực hiện khám phá này, siêu Trái đất được đặt tên là LHS 1140b này là “ngoại hành tinh thú vị nhất” quan sát được trong những năm gần đây và con người có thể “hy vọng vào một mục tiêu tốt hơn” để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

Hành tinh này ở gần ngôi sao chủ của nó gấp 10 lần so với chúng ta. Tuy nhiên, ngôi sao chủ của nó lại là một sao lùn đỏ, vì vậy nó chỉ nhận được khoảng 1 nửa lượng ánh sáng so với chúng ta, và có thể nó nằm đúng giữa khu vực phù hợp với sự sống. Nó cách xa ngôi sao chủ để nuôi dưỡng sự sống, nhưng cũng không quá xa để trở nên quá lạnh lẽo.

Tác giả chính của nghiên cứu này, nhà khoa học Jason Dittman từ Trung tâm Vật lý thiên thể Harvard Smithsonian, cho biết: “đây là ngoại hành tinh thú vị nhất mà tôi từng thấy trong một thập kỷ qua. Chúng ta có thể hy vọng đây là một mục tiêu tốt hơn để thực hiện một trong những câu hỏi lớn nhất của lĩnh vực khoa học – tìm kiếm các bằng chứng về sự sống ngoài Trái đất”.

Hiện tại, ngôi sao chủ LHS 1140 đang nằm trong chòm sao Cetus – hay còn gọi là chòm sao Kình Ngư – và đang ở thời điểm đặc biệt phù hợp với sự sống ngoài hành tinh. Ngôi sao này cách chúng ta khoảng 40 năm ánh sáng.

Thành viên nhóm nghiên cứu – Nicola Astudillo Defru – đến từ Đài quan sát Geneva, Thụy Sĩ cho rằng “các điều kiện hiện tại của ngôi sao lùn đỏ này đặc biệt phù hợp – so với các ngôi sao có khối lượng thấp tương tự thì LHS 1140 quay chậm hơn và phát ra ít bức xạ năng lượng cao hơn”.

Các nhà khoa học phát hiện thấy hành tinh này khi nó chặn bớt một ít ánh sáng của ngôi sao chủ khi nó vượt qua phía trước ngôi sao chủ, với chu kỳ là 25 ngày. Từ trái đất có thể nhìn thấy quỹ đạo của nó gần như ở cạnh trên, vì vậy việc phát hiện ra nó cũng dễ dàng hơn.

Ngôi sao chủ này cũng có thể giúp cho hành tinh có nước và bầu khí quyển – cả hai điều kiện cần thiết để tồn tại sự sống theo như chúng ta biết. Các ngôi sao lùn đỏ thường phát ra các tia bức xạ có thể phá hủy bất kỳ môi trường nào – tuy nhiên ngôi sao mới này lớn đến nỗi có thể chứa một đại dương magma trên bề mặt và đưa hơi nước vào bầu khí quyển để giữ cho nó luôn đầy nước.

Siêu Trái đất này khoảng 5 tỷ năm tuổi. Nó có đường kính lớn hơn Trái đất khoảng 1,4 lần, tuy nhiên nó có khối lượng và mật độ lớn hơn Trái đất rất nhiều lần, điều này có nghĩa là có thể nó được cấu tạo bởi đá và lõi sắt dày đặc.

Anh Thư (Tổng hợp)