Phát hiện mới sau khi mở cửa ngôi mộ Chúa Jesus

(Dân trí) - Những thứ bên trong ngôi mộ đã cung cấp “bằng chứng rõ ràng” rằng nơi mà những người hành hương đang thờ hiện nay thực sự cũng là mộ của vị Hoàng đế La Mã Constantine tìm thấy trong thế kỷ thứ 4.

Ngôi mộ được cho rằng là nơi đặt thi thể của chúa Jesus, nằm bên trong Khám thờ của nhà thờ Holy Sepulchre, Jerusalem
Ngôi mộ được cho rằng là nơi đặt thi thể của chúa Jesus, nằm bên trong Khám thờ của nhà thờ Holy Sepulchre, Jerusalem

Sau nhiều thế kỷ, lần đầu tiên ngôi mộ được cho rằng là nơi đặt chúa Jesus đã được mở ra.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khảo cổ và các nhà thần học vẫn tranh luận rằng liệu nhà thờ Holy Sepulchre ở Jerusalem có phải là nơi Chúa cứu thế bị chôn và sống lại sau khi bị đóng đinh hay không.

Ngôi mộ này được niêm phong bằng đá cẩm thạch từ những năm 1500 để ngăn không cho khách viếng thăm ăn trộm những mảnh nhỏ làm di vật.

Qua nhiều thế kỷ, các nhà thờ nổi tiếng đã bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần đến nỗi các chuyên gia không thể chắc chắn về liệu ngôi mộ đã bị di chuyển hay chưa, và về những gì có trong ngôi mộ.

Khi nâng chiếc nắp bằng đá cẩm thạch của ngôi mộ lần đầu tiên trong vòng 500 năm, các nhà nghiên cứu thấy bậc thềm đá vôi - nơi cơ thể chúa Jesus được cho là đặt ở đó.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra một phiến đá cẩm thạch thứ hai có màu xám chưa từng được biết đến, với vết khắc hình cây thánh giá có lẽ đã được tạc vào thế kỷ 12 bởi quân Thập tự chinh.

Nhà khảo cổ học Fredrik Hiebert của National Geographic cho biết điều tuyệt vời nhất là khi ông và nhóm nghiên cứu loại bỏ lớp bụi đầu tiên và tìm thấy phiến đá cẩm thạch thứ hai.

Khai quật ngôi mộ (Ảnh: Oded Balilty/National Geographic)
Khai quật ngôi mộ (Ảnh: Oded Balilty/National Geographic)

“Phiến đá này có màu xám, chứ không phải màu kem giống như bên ngoài, và ngay ở giữa là một cây thánh giá rất đẹp”. Các nhà nghiên cứu không hề nghĩ rằng có phiến đá này ở đó. “Qua nhiều thế kỷ, ngôi đền đã bị phá hủy nhiều lần do hỏa hoạn, động đất và các cuộc xâm lược. Các nhà nghiên cứu không biết chắc rằng liệu lần nào chúng cũng được xây dựng ở cùng một chỗ hay không”.

Tuy vậy, dường như điều này cũng là một bằng chứng rõ ràng rằng nơi mà những người hành hương thờ phụng ngày nay thực sự cũng là ngôi mộ được tìm thấy trong thế kỷ thứ 4 của Vị hoàng đế La Mã Constantine và đội quân Thập tự chinh.

Theo Kinh thánh Thiên chúa giáo, Chúa Jesus đã chết trên cây thánh giá và bị chôn 3 ngày trước khi hồi sinh từ cõi chết.

Khi mở ngôi mộ cổ này, các nhà lãnh đạo tôn giáo từ Hy Lạp và các nhà thờ chính thống Amenia, các tu sĩ dòng Francis – những người chịu trách nhiệm về nhà thờ này – là những người đầu tiên bước vào ngôi mộ.


Lối vào của mộ chúa Jesus ở nhà thờ Holy Sepulchre (Ảnh: Getty)

Lối vào của mộ chúa Jesus ở nhà thờ Holy Sepulchre (Ảnh: Getty)

Mặc dù trong ngôi mộ không có đồ tạo tác hoặc xương, nhưng ngôi mộ cũng có rất nhiều đống đổ nát chứ không phải trống trơn.

Trước khi mở ngôi mộ, các chuyên gia bảo tồn đã thu thập thông tin bên trong ngôi mộ bằng ra-đa xuyên thấu và máy quét nhiệt.

Các nhà khảo cổ đang làm việc trong ngôi mộ (Ảnh: Oded Balilty/National Geographic)
Các nhà khảo cổ đang làm việc trong ngôi mộ (Ảnh: Oded Balilty/National Geographic)

Chìa khóa của nhà thờ Holy Seplchre do một gia tộc người Hồi giáo cất giữ, họ đã mở cửa tòa nhà vào mỗi sáng trong suốt 500 năm qua.

Công trình khai quật ngôi mộ (Ảnh: Barcroft)
Công trình khai quật ngôi mộ (Ảnh: Barcroft)

Ngôi mộ này thu hút hàng nghìn người hành hương mỗi ngày, vì vậy nhóm nghiên cứu chỉ có chưa tới 3 ngày để làm sạch và khám phá ngôi mộ.

Phải cần tới 35 chuyên gia bảo tồn và 60 giờ làm việc để loại bỏ lớp bụi, và ghi chép chi tiết mỗi bước tiến hành. Thậm chí, họ chỉ phát hiện chiếc giường đã bị đá vôi chôn lấp vài giờ trước khi phải niêm phong lại ngôi mộ.

Nguyên bản chiếc giường bằng đá trong mộ của Chúa Jesus (Ảnh: Barcroft)
Nguyên bản chiếc giường bằng đá trong mộ của Chúa Jesus (Ảnh: Barcroft)

Lượng dữ liệu thu được rất lớn, vì vậy sẽ phải mất vài tháng để các nhà nghiên cứu phân tích các dữ liệu.

Anh Thư (Tổng hợp)