Phát hiện dấu chân khủng long cổ đại trên Đảo Skye

(Dân trí) - Trên Đảo Skye, Scotland, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng chục dấu chân hóa thạch của hai loài khủng long khác nhau từ 170 triệu năm trước.

Phát hiện dấu chân khủng long cổ đại trên Đảo Skye - 1

Nếu bạn chưa từng nghe đến Đảo Skyle, hãy hình dung vùng Trung Địa kết hợp với Công viên kỷ Jura.

Vào hôm thứ ba vừa qua, các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, Bảo tàng Staffin và Viện Khoa học Trung Quốc đã thông báo phát hiện hàng chục dấu chân khủng long hóa thạch trên Hòn đảo Skye, bờ biển phía tây Scotland.

Những dấu chân này thuộc về hai loài khủng long khác nhau và khoảng 170 triệu năm tuổi. Các nhà nghiên cứu cho biết không thể nói chính xác đó là loài khủng long nào. Chúng ta biết chúng là loài saurpod (một loài ăn cỏ cổ dài, gồm những loài như Brotosaurus) và theropod (loài ăn thịt và là họ hàng có từ trước của Tyrannosaurus Rex).


Dấu chân một con sauropod 170 triệu năm trước - Ảnh của Paige de Polo.

Dấu chân một con sauropod 170 triệu năm trước - Ảnh của Paige de Polo.

Những dấu chân này lần đầu tiên được phát hiện bởi một sinh viên vào năm 2016, và sau đó công việc thực địa bao gồm sử dụng máy bay không người lái để vẽ lại sơ đồ địa điểm này. Việc vẽ bản đồ khá rắc rối, vì những dấu vết được tìm thấy trên nền thủy triều ở Mũi Anh Em.


Mũi Anh Em, Rubha nam Brathairean, Skye - Ảnh của Steve Brusatte.

Mũi Anh Em, Rubha nam Brathairean, Skye - Ảnh của Steve Brusatte.

Tiến sĩ Steve Brusatte chỉ đạo công việc thực địa phát biểu với Mashable: “Những dấu vết luôn rất thú vị vì chúng ghi lại những khoảnh khắc đúng lúc khi những động vật thật đang tương tác với môi trường”. Ông cũng cho hay tảng đá nơi tìm thấy dấu chân được hình thành trong một “phá cổ đại”, tức là những con khủng long này đã “lội qua vũng nước nông” khi tạo ra những dấu chân này.


Nhà khoa học Paige de Polo, người dẫn dắt nghiên cứu, đang đo dấu chân trên đá - Ảnh của Shasta Marrero.

Nhà khoa học Paige de Polo, người dẫn dắt nghiên cứu, đang đo dấu chân trên đá - Ảnh của Shasta Marrero.

Brusatte cho biết: “Không có dấu hiệu gì cho thấy những con khủng long này đang làm điều gì thú vị. Chúng chỉ đi tha thẩn trong cái phá này. Chúng không đuổi bắt nhau, không săn đuổi nhau. Đây chỉ là hiện trạng một ngày trong cuộc sống của vài con khủng long 170 triệu năm tuổi nào đó”.

Theo bài báo của Đại học Edinburgh, những dấu chân này có ý nghĩa đặc biệt vì chúng là “bằng chứng hiếm có của thời kì kỷ Jura giữa, có rất ít địa điểm hóa thạch từ thời kì này được phát hiện trên khắp thế giới”.

Lộc Xuân (Theo Mashable)