Những điều cần biết về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

(Dân trí) - Do đời sống được nâng lên, tuổi thọ ngày càng cao, nước ta ngày càng phải quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Mà theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì sức khỏe bao hàm cả về thể chất, tinh thần lẫn xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật.

Chung tay chăm lo bữa ăn
Chung tay chăm lo bữa ăn

Trước hết việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phải do chính mình thực hiện dựa trên sự hiêu biết và tinh thần tự giác của bản thân. Theo các nhà nghiên cứu về lão khoa cho biết: tuổi già là kết quả tất yếu của một quá trình lão hóa bắt đầu diễn ra từ tuổi trung niên. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc môi trường sống, làm việc và sự rèn luyện thân thể cũng như chế độ ăn uống và nếp sống của mỗi người.

Bí quyết bảo vệ sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ chính là nếp sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên và ăn uống hợp lý, đủ đưỡng chất

* Đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng:

Muốn chăm sóc tốt sức khỏe, trước hết cần hiểu rõ đặc điểm và nhu cầu của mỗi lứa tuổi. Đối với người cao tuổi cũng vậy. Nói về nhu cầu dinh dưỡng của người cao tuổi, các nhà nghiên cứu về lão khoa đã nêu rõ: Người cao tuổi thường gặp vấn đề về răng miệng, sức nhai kém nên khó nghiền nát thức ăn, đồng thời các men tiêu hóa giảm nên người cao tuổi thường hay bị rối loạn tiêu hóa. Do vậy nếu không có chế độ ăn uống tốt, hợp lý, làm cho cơ thể bị suy yếu, dễ mắc phải nhiều bệnh.

Trong bữa ăn của người cao tuổi cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bao gồm: Chất bột đường (gạo, ngô, khoai, mỳ, bắp, các loại ngũ cốc), chất đạm ( thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành..) , chất béo (có nhiều trong dầu, mỡ, lạc, vừng,…), chất xơ vitamin và khoáng chất (có nhiều trong các loại rau, củ và trái cây tươi,…);

Người cao tuổi nên ăn giảm các loại tinh bột như gạo, ngô, khoai, ngũ cốc để tránh thừa calo, tích mỡ và tăng cân Trung bình nên ăn dưới 300g/người/ngày; Ăn vừa phải thịt, cá, trứng, hải sản; nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt: Mỗi tuần tối thiểu 3 bữa cá; ăn không quá 1,5kg thịt/tháng. Chỉ nên ăn 2-3 quả trứng một tuần. Ngoài thức ăn đa dạng, người cao tuổi nên uống 1-2 ly sữa mỗi ngày vì sữa bổ dưỡng, cung cấp nguồn axit amin cân đối và không chưa nhiều cholesterol như trứng gà.

Ăn đầy đủ các chất nhưng nên ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau, đậu, vừng, lạc; các loại hoa quả như chuối, cam…

Ăn nhiều rau không chỉ cung cấp các vitamin, chất khoáng mà còn cung cấp chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón; chúng còn có tác dụng như “cái chổi”quét hết cholesterol thừa đẩy ra theo đường tiêu hóa, tránh những tai biến do xo vữa động mạch. Điều này cố GS Từ Giấy, Viện trưởng đầu tiên của Viện Dinh dưỡng đã từng nhân mạnh nhiều lần từ thế kỷ trước.

Với người cao ruổi, nên hạn chế đồ chiên xào, tăng cường thức ăn tươi hoặc luộc. Ăn chậm, nhai kỹ làm cho thức ăn dễ tiêu hóa, giờ ăn trong ngày nên ổn định. Nên coi trọng bữa ăn sáng; không nên ăn no vào bữa tối. Ngoài ra cần phải uống nước để tránh sỏi đường niệu và táo bón. Cần uống 1 – 1,5 lít nước/ngày là đủ nhu cầu của cơ thể.

*Rèn luyện thể lực:

Các nhà lão khoa cho biết: từ 30 đến 70 tuổi, cơ thể chúng ta mất khoảng 30 đến 40% khối lượng cơ bắp. Trong giai đoạn này, hiệu quả cung cấp máu của tim cũng giảm không dưới 30%. Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm chậm lại những thay đổi này khoảng 20 năm. Nhiều loại hình tập phù hợp với tuổi trung niên và tuổi già. Nếu sức khỏe cho phép thì nên đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp, ngồi thiền, yoga (tối thiểu 3 buổi trong một tuần, mỗi buổi 30 – 40 phút).

Ngồi thiền, yoga rất tốt cho sức khỏe của người già
Ngồi thiền, yoga rất tốt cho sức khỏe của người già

Ở người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cùng với thời gian và tuổi tác nên rất dễ bị mắc các bệnh mạn tính, vậy nên đi đôi với việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, cần duy trì chế độ vận động hợp lý và đều đặn. Cách rèn luyện dễ thực hiện nhất là đi bộ đều dặn hằng ngày từ 30 đến 40 phút vào sáng sớm và chiều tối ( nên chọn thời gian thích hợp tùy theo mùa hè hay mùa đông). Nên đi với tốc độ vừa phải tùy theo sức khỏe từng người để sau khi đi không thấy mệt, ăn ngon hơn và ngủ tốt hơn....

*Chăm sóc giấc ngủ:

Hầu như ai cũng biết câu thành ngữ “Ăn dược ngủ được là tiên”, nhưng thật ra ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Một người ngủ trung bình 7 giờ/ngày là hợp lý, có tuổi thọ cao nhất, còn ngủ 9 giờ/ngày có nguy cơ cao về tim mạch và giảm tuổi thọ..

Ngoài giấc ngủ buổi tối, nên ngủ 15-30 phút vào buổi trưa, giúp cho trí óc tỉnh táo, minh mẫn hơn vào buổi chiều.

*Chăm sóc sức khỏe tinh thần:

Ông bà vui cùng cháu nhỏ
Ông bà vui cùng cháu nhỏ

Con người ta vốn là một thể thống nhất giữa thể lực, trí tuệ và tâm hồn. Nói đến sức khỏe là nói đến sự hài hòa của ba yếu tố này. Bên cạnh việc rèn luyện thể lực, chăm lo cho giấc ngủ, bữa ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng, người cao tuổi còn cần quan tâm đến việc chống lão hóa trí tuệ và tâm hồn. Ngay khi bắt đầu nghỉ hưu, bên cạnh việc rèn luyện thể chất, nên duy trì việc hoạt động trí tuệ dưới nhiều hình thức. Đọc sách báo, giao lưu với bạn bè (bạn hàng xóm và bạn trên mạng), sinh hoạt trong câu lạc bộ, làm thơ, ghi nhật ký…; thậm chí vẫn làm việc (vừa sức) trong nghề chuyên môn vốn thuộc sở trường của mình như nghề thầy thuốc, dạy học, làm báo, viết văn hoặc học tập, nghiên cứu một lĩnh vực mới (nếu sức khỏe cho phép và thật sự đam mê). Đầu năm nay, GS y khoa Nguyễn Ngọc Lanh vừa được trao tặng Giải thưởng Phan Chu Trinh về lĩnh vực nghiên cứu sử học. Đấy là ví dụ điển hình về lòng đam mê nghiên cứu một lĩnh vực mới sau khi đã nghỉ hưu.

Sống hạnh phúc trong một gia đình nhiều thế hệ, hằng ngày đưa đón các cháu đi học; tối về chuyện trò, giao lưu với con, cháu; nhất là các cháu nhỏ cũng dễ tìm được nguồn vui rất hồn nhiên và trong sáng của con trẻ, làm cho tâm hồn của ông bà như trẻ lại!

Đã hay ai cũng đến tuổi già. Những người cao tuổi đã lao động cống hiến gần như trọn đời cho đất nước, và nuôi dạy con cháu, cho nên gia đình cũng như xã hội phải quan tâm chăm sóc người cao tuổi. Nhưng mặt khác, chính người cao tuổi biết tự chăm sóc mình, biết sống khỏe, sống vui và sống có ích để chủ động tìm thấy nguồn vui. Chính điều đó đem lại hiệu quả rõ rệt và góp phần tạo nên giá trị đạo lý trường tồn của dân tộc ta.

Thao Lâm