Nghiên cứu sử dụng vỏ trấu để tạo ra xà phòng đen

(Dân trí) - Luôn ấp ủ ý tưởng làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống con người mà không độc hại, nhóm sinh viên Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã mày mò để tạo ra sản phẩm xà phòng đen từ vỏ trấu và các chất nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường.

Tận dụng các nguồn phế thải để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường đang là xu thế trên thế giới. Mới đây, 6 sinh viên: Nguyễn Thị Diệu Huyền, Lê Thiêm Tuấn, Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Mậu Thạch, Lê Thị Hằng, và Trần Đức Hiệp thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu, sáng tạo và tận dụng phế thải trong quá trình sản xuất than hoạt tính từ vỏ trấu để chế tạo một loại xà phòng đen, không gây hại và thân thiện với môi trường.

Nghiên cứu sử dụng vỏ trấu để tạo ra xà phòng đen - 1

Than hoạt tính là vật liệu cấu trúc xốp với khả năng hấp thụ cao nên có tác dụng khử độc tốt… Hơn nữa, than hoạt tính từ vỏ trấu là nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam, với lượng lớn thải ra hằng năm, nhiều nhà khoa học nhận định vỏ trấu nếu được tận dụng chế tạo than hoạt tính sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.

Đề tài của nhóm nghiên cứu mang tính kế thừa khi những năm trước dưới sự hướng dẫn của PGS-TS Nguyễn Văn Tư, cả nhóm đã chế tạo thành công than hoạt tính chất lượng cao từ vỏ trấu. Trong quá trình chế tạo, nhóm nhận thấy một sản phẩm phụ là nước thủy tinh có chứa Na2SiO3, đây là chất có tác dụng ổn định bọt và đóng rắn nhanh cho xà phòng. Thay vì bỏ phí, các bạn đã tìm cách đưa sản phẩm phụ này ứng dụng vào sản xuất ra xà phòng nhằm đem lại lợi ích về môi trường và kinh tế.

Nhóm sinh viên nghiên cứu sử dụng vỏ trấu để tạo ra xà phòng đen
Nhóm sinh viên nghiên cứu sử dụng vỏ trấu để tạo ra xà phòng đen

Khác với than tre hay than gáo dừa, trấu là nguyên liệu thu được từ cây lúa, một cây có vòng đời ngắn được thu hoạch trong năm mà không cần trồng lâu như tre hoặc số lượng hạn chế như gáo dừa. Hơn nữa, trong trấu có chứa khoảng 45% SiO2 nên trong quá trình chế tạo than hoạt tính chất lượng cao sẽ có nhiều ưu điểm để sau khi tách SiO2, than sẽ có hàm lượng carbon cao và nhiều lỗ xốp có lợi cho quá trình hoạt tính sau này. Chế tạo than hoạt tính từ trấu không hề dễ dàng bởi vì vỏ trấu mỏng, do đó quá trình cháy sẽ xảy ra nhanh hơn, khó khống chế nên hiệu quả thu hồi than thấp. Hơn nữa vỏ trấu xốp, cồng kềnh khiến năng suất chế tạo than cũng không được cao. Trong than trấu chứa nhiều SiO2 (45%), vì vậy cần phải được tách bỏ để tạo ra than hoạt tính chất lượng cao. Dù quá trình nghiên cứu kéo dài, nhưng các thành viên trong nhóm vẫn luôn miệt mài, kiên trì với việc tận dụng nước thủy tinh và than nhỏ mịn để làm nguyên liệu trong công nghệ sản xuất xà phòng đen. Tới đầu năm 2016, cả nhóm đã bắt đầu làm và cho ra được những cục xà phòng đen.

Nhóm nghiên cứu cho biết, thử nghiệm thực tế cho thấy, xà phòng làm từ than hoạt tính giúp quá trình sử dụng sẽ không bị nhờn da. Các chất được cho thêm vào xà phòng như bột trà xanh, bột nghệ, tinh dầu bạc hà vừa tạo mùi thơm dễ chịu vừa có tác dụng trị mụn và chống lão hóa da. Xà phòng đen này ngoài việc làm sạch còn có khả năng chăm sóc làn da tốt với các loại phụ gia thiên nhiên như bột trà xanh, tinh bột nghệ, chiết xuất tía tô… Bánh xà phòng đen không có chất bảo quản, chất tạo bọt và hương liệu nên rất an toàn.

Để quảng bá sản phẩm, nhóm tác giả đã tiến hành sản xuất để cung cấp sản phẩm ra thị trường, giới thiệu qua trang “Xà phòng đen - Sinh viên hướng tới môi trường - ĐHBK” trên Facebook, với giá dự kiến 70.000 đồng/bánh xà phòng nặng 70- 80gr.

Mong muốn của nhóm là bán sản phẩm này với mục đích tuyên truyền thông điệp sinh viên hướng tới môi trường, góp phần thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng về những sản phẩm được làm từ vật dụng tái chế.

Sản phẩm xà phòng đen từ vỏ trấu đã giành giải nhì trong cuộc thi Bình chọn đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên 2016 do trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

NASATI