Nghiên cứu phát hiện mối liên hệ mật thiết giữa chửi thề và sự trung thực

(Dân trí) - “Những người hay chửi thề thì có nhiều khả năng là người trung thực”, một nghiên cứu mới chỉ ra.

Nghiên cứu phát hiện mối liên hệ mật thiết giữa chửi thề và sự trung thực - 1

Từ lâu người ta vẫn luôn nghĩ rằng giận dữ thường gắn liền với chửi thề nhưng đôi khi những lời tục tĩu có thể mang ý nghĩa tích cực khác. Các nhà tâm lý học thấy rằng những người thường xuyên chửi thề thì trung thực hơn so với những người ít làm điều đó. Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Hà Lan, Anh, Mỹ và Hồng Kông báo cáo rằng người hay chửi thề thì hiếm khi nói dối và lừa bịp người khác.

Chửi thề là những ngôn từ tục tĩu mà bị cho là không phù hợp và không thể chấp nhận được trong một số môi trường xã hội. Nó thường ám chỉ ngôn ngữ mà đề cập đến tình dục, báng bổ hoặc những điều thô tục khác. Chửi thề cũng có liên quan đến việc thể hiện những cảm xúc như giận dữ, thất vọng hay bất ngờ. Tuy nhiên, chửi thề cũng có thể được sử dụng để giải trí và khiến cho các khán giả thích thú.

Có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề chửi thề và tác động xã hội của nó thì đã thay đổi qua nhiều thập kỉ. Vào năm 1939, câu nói đáng nhớ thốt ra từ miệng diễn viên Clark Gable “Thành thật mà nói em yêu ạ, anh cũng cóc cần quan tâm” trong bộ phim Cuốn theo chiều gió, cũng đã đủ để các nhà sản xuất bộ phim này bị phạt 5,000 USD. Ngày nay phim ảnh, những chương trình truyền hình và sách vở của chúng ta thì đầy ắp các câu chửi thề, và chúng ta thường bỏ qua phần lớn những điều đó.

Thiếu trung thực và chửi thề đều bị coi là lệch lạc, do đó chúng thường được xem như là bằng chứng của sự suy đồi đạo đức. Nói cách khác, chửi thề có thể gắn liền một cách tích cực đối với sự trung thực. Nó thường được sử dụng để diễn tả sự chân thành và những cảm xúc không qua chọn lọc. Các nhà nghiên cứu đã dẫn chứng ví dụ của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã chửi thề trong một vài bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm ngoái và được một số người công nhận là trung thực hơn đối thủ của mình.

Tiến sĩ David Stillwell, giảng viên Khoa Phân tích Dữ liệu lớn của trường Đại học Cambridge và một đồng tác giả bài báo đã phát biểu rằng: “Mối quan hệ giữa chửi thề và sự thiếu trung thực khá là rắc rối. Chửi thề thường không phù hợp tuy nhiên nó có thể là bằng chứng cho thấy rằng ai đó đang nói với bạn những ý kiến trung thực nhất của họ. Bởi vì họ không chọn lọc ngôn ngữ của mình sao cho dễ nghe hơn, có nghĩa là họ cũng không chọn lọc những quan điểm của mình để nói ra.”

Nhóm nghiên cứu quốc tế của các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá quan điểm của người dân về loại ngôn ngữ này trong một loạt các câu hỏi bao gồm các tương tác với người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.

Trong câu hỏi đầu tiên, 276 người tham gia được yêu cầu nêu danh sách những câu chửi thề mà họ yêu thích và hay sử dụng nhất. Họ cũng được yêu cầu viết lý do tại sao lại sử dụng những từ đó, rồi sau đó tham gia vào một bài kiểm tra về việc nói dối để quyết định xem liệu họ có đáng tin không hay đơn giản là họ chỉ đang phản hồi lại theo cách mà họ nghĩ rằng sẽ được chấp nhận trong xã hội. Những người mà viết số lượng những từ chửi thề nhiều hơn thì ít có khả năng nói dối hơn.

Cuộc khảo sát thứ hai liên quan đến việc thu thập dữ liệu từ 75,000 người sử dụng Facebook để đo lường mức độ chửi thề của họ trong các giao tiếp xã hội trực tuyến. Nghiên cứu phát hiện những người chửi thề nhiều hơn có khả năng sử dụng những hình mẫu ngôn ngữ mà đã được sử dụng trong những nghiên cứu trước đây có liên quan đến sự trung thực. Những người sử dụng Facebook được tuyển chọn khắp nước Mỹ và sự phản ứng của họ càng nhấn mạnh những quan điểm trái chiều đối với việc chửi thề còn tồn tại giữa các khu vực địa lý khác nhau. Ví dụ, những người ở các bang phía Đông Bắc nước Mỹ (Connecticut, Delaware, New Jersey và New York) thì nhiều khả năng sẽ chửi thề nhiều hơn trong khi những người ở các bang phía Nam (South Carolina, Arkansas, Tennessee and Mississippi) thì ít hơn.

Quỳnh Chi (Theo Sciencedaily)