Nghiên cứu mới bác bỏ quan điểm “cần cù bù thông minh”

(Dân trí) - Trong cuộc nghiên cứu lớn về những trẻ em tài năng, các nhà khoa học đã theo dõi 5.000 trẻ em thuộc nhóm 1% thông minh nhất trong hơn bốn thập kỷ. Kết luận được rút ra là trí thông minh đóng một vai trò rất lớn trong việc đạt được thành công trong cuộc đời.

Nghiên cứu mới bác bỏ quan điểm “cần cù bù thông minh” - 1

Theo tạp chí Nature, phát hiện này trái ngược với hai giả thuyết từ lâu nay. Thứ nhất, “thành tích tốt chủ yếu là do luyện tập” và thứ hai, "mọi người đều có thể đạt đến đỉnh cao với nỗ lực tập trung đúng cách".

Nghiên cứu khẳng định trí thông minh có ảnh hưởng nhiều hơn đến thành công hơn là thực hành, các yếu tố bên ngoài như khả năng kinh tế - xã hội

Ông Jonathan Wai, nhà tâm lý học tại Đại học Duke, Mỹ, cho biết: "Những trẻ tham gia nghiên cứu đều có tiềm năng trở thành nhà khoa học, học giả, giám đốc điều hành trong danh sách Fortune 500, thẩm phán, thượng nghị sĩ và tỷ phú”.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng trẻ từ nhỏ và việc cho phép học sinh vượt cấp ở trường.

Theo đó, khả năng trẻ vượt cấp có thể đạt được bằng tiến sĩ, bằng sáng chế cao hơn 60%, đạt bằng thạc sĩ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cao hơn 50% so với những trẻ thông minh nhưng không được vượt cấp.

Trên thực tế, nhiều nhà sáng chế là những người có khả năng nhận thức được phát triển và hỗ trợ từ nhỏ thông qua các chương trình phát triển.

Một số người nổi tiếng đã từng được vượt cấp học là Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, người đồng sáng lập Google Sergey Brin và nữ ca sĩ Lady Gaga.

Nghiên cứu đề xuất tám phương pháp để khuyến khích trẻ phát triển và đạt được thành tựu, hạnh phúc:

- Cho trẻ tiếp xúc với nhiều trải nghiệm đa dạng

- Tạo cơ hội cho trẻ phát triển đam mê và năng khiếu

- Hỗ trợ nhu cầu trí tuệ và cảm xúc của trẻ

- Giúp trẻ phát triển tư duy bằng cách khen ngợi nỗ lực chứ không phải khả năng sẵn có

- Khuyến khích trẻ chấp nhận rủi ro thất bại để được học hỏi

- Hãy coi chừng những danh hiệu: được cho có tài năng có thể là một gánh nặng về cảm xúc với trẻ

- Hợp tác với giáo viên để đáp ứng nhu cầu của trẻ

- Kiểm tra khả năng của trẻ

Khánh Duy (Theo CNBC)