Nghiên cứu đón đầu chế biến hạt mắc-ca

(Dân trí) - So với nhiều loại hạt có nhiều chất dinh dưỡng như hạt điều, hạnh nhân…thì mắc-ca giầu chất dinh dưỡng hơn. Cây mắc-ca (macadamia) được trồng nhiều ở Nam Phi, rồi phát triển ra các nơi khác như Australia, Brazil, California, New Zealand… và gần đây đã được trồng nhiều ờ Tây Nguyên nước ta.

Đến thăm xưởng sản xuất thử nghiệm (pilot) của GS.TSKH Lê Văn Tố, tôi được GS giới thiệu và cho nếm thử hai sản phẩm mới “ra lò” là bánh ga-tô mắc-ca và kem mắc-ca.

Được nếm thử hai loại sản phẩm này, tôi thấy thú vị về sự pha trộn giữa các vị thơm, bùi, béo… GS Lê Văn Tố cho biết các sản phẩm đó có thành phần quan trọng là hạt mắc-ca (macadamia). Đó là loại cây công nghiệp đã được trồng nhiều ở Tây Nguyên.

Nhiều nơi trồng xen với cây cà phê thấy có hiệu quả, vì cà phê cần bóng che, còn cây mắc-ca lại được hưởng nhờ nước tưới cây cà phê. Mắc-ca là loại cây dễ trồng, có tán lá sum sê, phiến lá rộng, phát triển nhanh, nhưng cần chọn đúng cây giống.

Trong vườn nhà ờ Tp Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, tôi cũng được nhìn thấy những cây mắc-ca có tán lá sum sê, tươi tốt, được trồng làm cây cảnh, cho bóng mát và còn cho trái mắc-ca có giá trị dinh dưỡng cao.

Trong một cuộc hội thảo khoa học, GS.Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng, cho biết, ông đã đi nhiều nước trồng mắc-ca nhưng không thấy ở nơi nào phù hợp với cây mắc-ca như ở Tây Nguyên. Ông cũng là một trong những người có công đưa cây mắc ca về Việt Nam và có 20 năm nghiên cứu giống cây này cho biết, tuy đến giờ chưa có tổng kết nhưng theo thống kê từ vườn ươm ước tính đã có khoảng 1 triệu cây mắc ca được trồng.

Trong đó có khoảng một nửa là cây thực sinh, còn lại là cây ghép. Các cây ghép được chọn lọc từ các nước như Australia, Trung Quốc, Thái Lan và Hawai. Và diện tích mắc ca hiện nay ở Tây Nguyên đã lên tới gần 5.000ha chứ không phải là 2.000ha như một số thông tin đang nói.


Cây mắc-ca phát triển nhanh và cho nhiều trái trên vùng đất Tây Nguyên.

Cây mắc-ca phát triển nhanh và cho nhiều trái trên vùng đất Tây Nguyên.

Nhưng nếu chỉ bán sản phẩm thô thì hiệu quả kinh tế không cao bằng những sản phẩm tinh đa dạng được chế biến từ hạt mắc ca.

Ăn hạt mác-ca dưới dạng thô như rang lên để ăn thì chưa tận dụng được giá trị của loại hạt này mà nên nghiên cứu cách chế biến ra các loại thực phẩm có giá trị cao như Australia đã sản xuất loại sô-cô-la có thành phần mắc-ca, được khách hàng ưa chuộng. Đó chính là điều trăn trở của GS.TSKH Lê Văn Tố và các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu chế biến thực phẩm.

Đón đầu nhu cầu chế biến hạt mắc-ca ở nước ta, GS.TSKH Lê Văn Tố đã nghiên cứu chế biến ra hai loại sản phẩm bánh ga-tô có thành phần mắc-ca và kem mắc-ca ở quy mô pi-lốt (xưởng sản xuất thử nghiệm). Đó là hướng nghiên cứu cần được khuyến khích để nâng cao giá trị các loại nông sản của nước ta, nhất là loại nông sản có giá trị dinh dưỡng cao như mắc-ca

Hơn nữa, việc nghiên cứu này lại được tiến hành ở quy mô pi-lôt ngay tại nhà của một vị Giáo sư là một trong những cán bộ khoa học đầu ngành trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, dù cao tuổi nhưng ông vẫn tiếp tục sự nghiệp khoa học của mình.

GS Lê Văn Tố nhấn mạnh giá trị dinh dưỡng của hạt mác-ca. Đó là loại hạt chứa thành phần dinh dưỡng phong phú và có giá trị dinh dưỡng cao.Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy:

Hạt mắc-ca có hương vị ngọt, bùi và giầu nguồn năng lượng cũng như nhiều chất bổ dưỡng, chưa các chất khoáng có tác dụng chống ô-xy hóa, các loại vi-ta-min, chất xơ và cung cấp nguồn chất béo (không bão hòa) rất cần thiết cho cơ thể chúng ta. 100 gam hạt mắc-ca cung cấp khoảng 718 calo, có giá trị cao nhất trong các loại hạt. Chế độ ăn có nguồn thực phẩm được chế biến từ hạt mác-ca, giầu chất xơ, chất béo (không bão hòa) và chất chống ô-xy hóa có tác dụng tránh bệnh động mạch vành và đột quỵ.

Hạt mắc-ca cũng là nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp các khoáng chất như can-xi, sắt, ma-giê, kẽm và cả selen là những vi khoáng góp phần quan trọng chống oxy hóa.

Hạt mắc-ca rất giầu vi-ta-min B phức hợp là yếu tố quan trọng duy trì các chức năng trao đổi chất.

So với các loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao như hạnh nhân và hạt điều, hạt mắc-ca có hàm lượng cao chất béo không bão hòa, chứa 17% tổng số chất béo.

Muốn phát triển các loại thực phẩm bổ dưỡng từ hạt mắc-ca, có hai điều đáng quan tâm. Đó là phát triển đúng kỹ thuật từ việc chọn giống tốt, chọn đất trồng phù hợp ở Tây Nguyên. Mặt khác, cần đặc biệt quan tâm đến khâu tiêu thụ và chế biến hạt mắc-ca để tránh tình trạng bán đổ bán tháo như dưa hấu đã xảy ra trong thời gian qua.

Cần quan tâm hơn nữa tới khâu nghiên cứu chế biến và đưa nhanh những kết quả nghiên cứu đã thành công ở quy mô sản xuất thử nghiệm (pi-lốt) ra sản xuất ở quy mô công nghiệp. Đấy là kiến nghị của GS.TSKH Lê Văn Tố cũng như các nhà khoa học khác trong lĩnh vực nghiên cứu chế biến thực phẩm.

Thao Lâm