Nepal thoát nước một hồ băng nguy hiểm ở độ cao 5.000 m

(Dân trí) - Hôm thứ hai, các quan chức thông báo Nepal đã tháo nước thành công một phần của một hồ băng khổng lồ nằm ở gần đỉnh Everest, ngăn ngừa nguy cơ về một trận lụt có thể đe dọa tính mạng của hàng ngàn người.

Nepal có khoảng 3000 hồ băng
Nepal có khoảng 3000 hồ băng

Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu đang làm cho các dòng sông băng ở dãy Himalya bị tan chảy với một tốc độ đáng báo động, tạo ra những hồ băng khổng lồ có thể vỡ bờ và tàn phá các cộng đồng dân cư sống trên núi.

Imja Tsho, nằm ở độ cao 5.010m, chỉ cách đỉnh núi cao nhất thế giới 10km về phía nam, là hồ băng phát triển nhanh nhất ở Nepal.

Vị trí hồ Imja
Vị trí hồ Imja

Quốc gia nằm trên dãy Hymalya này đã bị tàn phá bởi một trận động đất nặng 7,8 độ richter vào năm ngoái, làm tăng báo động về nguy cơ lũ quét từ các hồ băng.

Top Bahadur Khatri, quản lý dự án Dự án Giảm nhẹ rủi ro bột phát hồ băng và Phòng chống lụt dựa vào cộng đồng, cho biết “Tháo nước hồ là việc làm ưu tiên hàng đầu của chính phủ, vì những nguy cơ rủi ro cao do các hồ băng này tạo ra. Ngay lúc này, chính phủ đã giảm nhẹ thành công một thảm họa”.

Ông Khatri cho biết, hồ băng này sâu gần 150m, và sau 6 tháng làm việc nghiêm ngặt, mực nước trong hồ đã giảm khoảng 3,5m – tiêu thoát khoảng hơn 5 triệu m3 nước.

Chính phủ Nepal đã hợp tác với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để tháo nước trong hồ.

Từ tháng 4, một nhóm gồm 40 nhân viên quân đội Nepal và hơn 100 công nhân địa phương đã làm việc theo ca để hoàn thành dự án, họ sử dụng phương pháp không vận hoặc bò Tây tạng để vận chuyển các thiết bị.

Hồ băng Imja Tsho, nằm ở độ cao 5.010m, là hồ băng phát triển nhanh nhất ở Nepal
Hồ băng Imja Tsho, nằm ở độ cao 5.010m, là hồ băng phát triển nhanh nhất ở Nepal
Vật liệu xây dựng được chở bằng máy bay trực thăng tới độ cao gần 5.000m so với mực nước biển
Vật liệu xây dựng được chở bằng máy bay trực thăng tới độ cao gần 5.000m so với mực nước biển

Trung tá Bharat Lal Shrestha – chỉ huy nhóm quân đội cho biết: một đường hầm dài 45m đã được xây dựng để hỗ trợ dòng chảy của hồ ở phía hạ lưu. Họ đã lắp đặt một cổng cơ khí để kiểm soát việc xả nước. Bởi vì gió, tuyết và không khí rất loãng, nên mọi người chỉ có thể làm việc khoảng 2-3h mỗi ngày.

Mọi người đã phải làm việc trong điều kiện hết sức khắc nghiệt ở trên cao.
Mọi người đã phải làm việc trong điều kiện hết sức khắc nghiệt ở trên cao.

Từ năm 1984 đến 2009, diện tích mặt hồ đã mở rộng từ 0,4km2 thành 1,01km2, thúc đẩy sự lo lắng về việc bờ hồ có thể bị thủng và gây ngập lụt các ngôi làng ở dưới hạ lưu.

Các chuyên gia cho rằng, một trận lụt sẽ có tác động thảm khốc tới cuộc sống của hơn 50.000 người sống trong các ngôi làng gần đó và thậm chí là cả ở các huyện phía nam của đất nước này.

Là một phần của dự án này, hệ thống cảnh báo sớm cũng được lắp đặt ở các làng phía hạ lưu.

Ông Khatri cho biết, họ có kế hoạch sẽ nhân rộng hoạt động này ở các hồ băng có nguy cơ cao khác.

Nepal có khoảng 3.000 hồ băng. Năm 2014, một nghiên cứu quốc tế lớn đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ làm cho những hồ băng trong khu vực đỉnh Everest có thể giảm khoảng 70% hoặc biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ này.

Một nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế về phát triển vùng núi tích hợp ở Kathmandu , sử dụng các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy các hồ băng ở Nepal đã bị thu hẹp gần ¼ trong khoảng thời gian từ 1977 đến 2010.


Hồ Imja là 1 trong số hàng ngàn hồ ở dãy Hymalaya

Hồ Imja là 1 trong số hàng ngàn hồ ở dãy Hymalaya

Anh Thư (Tổng hợp BBC, Phys)