NASA phát hiện thêm 9 hành tinh có khả năng tồn tại sự sống

(Dân trí) - NASA vừa công bố kính viễn vọng Kepler đã phát hiện thêm 1.284 hành tinh ngoài hệ mặt trời – số lượng hành tinh lớn nhất từng được tìm ra và 9 trong số đó có thể tồn tại sự sống.

Con số này nhiều hơn gấp hai lần con số đã từng được khẳng định trước đó” – phát biểu của Ellen Stofan, nhà khoa học đứng đầu trụ sở nghiên cứu của NASA tại Washington – “điều này mở ra hy vọng rằng biết đâu trong số những hành tinh mới này, chúng ta thậm chí sẽ phát hiện ra một Trái Đất khác”.

Ảnh: NASA/W. Stenzel
Ảnh: NASA/W. Stenzel

Kết quả của kính viễn vọng không gian Kepler bắt đầu được phân tích từ tháng 7 năm 2015 với 4.302 “ứng viên”. Nhưng chỉ 1.284 trong số đó được xác định có đến 99% đặc điểm của một hành tinh. Kể từ khi khám phá ra hành tinh đầu tiên bên ngoài hệ mặt trời hơn 20 năm trước, các nhà nghiên cứu đã phải mất một thời gian dài nỗ lực để xác minh từng hành tinh một.

Thống kê về số lượng hành tinh được phát hiện bởi Keple. Ảnh: NASA
Thống kê về số lượng hành tinh được phát hiện bởi Keple. Ảnh: NASA

Công bố mới nhất này dựa trên phương pháp phân tích thống kê áp dụng cho nhiều ứng cử viên hành tinh cùng một lúc. Timothy Morton, một học giả Đại học Princeton, New Jersey và là tác giả chính của bài báo khoa học đăng trên tạp chí The Astrophysical, đã sử dụng một kỹ thuật gán cho mỗi “ứng viên hành tinh” một xác xuất “gần gũi với hành tinh” nhất dưới dạng phần trăm. Sự giả thiết tự động đầu tiên trên quy mô này. Kỹ thuật này trước đây vẫn chỉ được sử dụng cho những nhóm hành tinh lớn hơn danh sách “ứng viên hành tinh” này của Kepler.

Số lượng hành tinh mới được tìm thấy (phần màu cam trong biểu đồ). Ảnh: NASA
Số lượng hành tinh mới được tìm thấy (phần màu cam trong biểu đồ). Ảnh: NASA

Trong nhóm hành tinh mới này, hơn 100 hành tinh có kích thước tương tự (bằng khoảng 1,2 lần hoặc nhỏ hơn không đáng kể). Khoảng 550 hành tinh có thể có kết cấu đá gần tương tự với kết cấu của Trái đất. Chín trong số đó có quỹ đạo quay quanh một "mặt trời", với khoảng cách từ một ngôi sao nơi các hành tinh quay xung quanh cho phép nhiệt độ bề mặt có thể tồn tại nước ở dạng lỏng. Với việc bổ sung này, đến nay đã có 21 hành tinh bên ngoài hệ mặt trời được biết đến với đặc điểm này.

Những hành tinh trong vùng màu xanh là có khả năng tồn tại sự sống. Ảnh: NASA
Những hành tinh trong vùng màu xanh là có khả năng tồn tại sự sống. Ảnh: NASA

Đến nay, trên tổng số 5.000 ứng viên hành tinh đã được phát hiện, đã có 3200 ứng viên là những hành tinh thực sự và thêm 2.325 hành tinh trong số đó được phát hiện bởi Kepler. Bắt đầu chính thức hoạt động từ tháng 3 năm 2009, Kepler thực hiện sứ mệnh của NASA là tìm kiếm những hành tinh có kích thước tương tự như Trái đất, có khả năng sinh sống. Trong suốt bốn năm qua, Kepler đã hoàn thành chu kỳ 371 ngày quanh mặt trời đều đặn, theo dõi 150.000 ngôi sao, đánh giá kích thước, đánh giá ánh sáng qua những giai đoạn chuyển tiếp của ngôi sao đó để phát hiện hành tinh mới.

Năm 2018, NASA dự kiến sẽ đưa thêm một vệ tinh khảo sát sử dụng cùng một phương pháp tương tự với Kepler để theo dõi 200.000 ngôi sao sáng gần đó và tìm kiếm các hành tinh có kích thước tương đương với Trái Đất. Dự án này hứa hẹn sẽ giúp con người mở ra thêm cơ hội tìm kiếm được thêm những dấu hiệu của sự sống ngoài hệ mặt trời.

H.G tổng hợp