Một phần ba các rạn san hô “bị nhựa vướng vào”

(Dân trí) - Không chỉ hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhựa cũng là mối đe dọa lớn đối với sự sống của các rạn san hô.

Một phần ba các rạn san hô “bị nhựa vướng vào” - 1

Các nhà khoa học cho biết, nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất tới tương lai các rạn san hộ sau việc đại dương ấm lên.

Theo khảo sát, hơn 11 tỉ món đồ nhựa được tìm thấy trên một phần ba các rạn san hô ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến hơn 15 tỉ vào năm 2025.

Theo nghiên cứu, nhựa làm tăng gấp 20 lần nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên các rạn san hô. Túi nhựa, chai nhựa và bao gạo nằm trong số những đồ được tìm thấy.

Tiến sĩ Joleah Lamb thuộc Đại học Cornell, Ithaca, Mỹ, cho biết: “Ngoài biến đổi khí hậu, nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất ngoài đại dương ở thời điểm hiện tại. Thật đáng buồn khi trong các rạn san hô có không biết bao nhiêu mẩu nhựa ... nếu chúng ta có thể bắt đầu từ những món đồ nhựa lớn gây ô nhiễm này, hi vọng chúng ta có thể bắt đầu giảm bớt lượng nhựa mắc vào các rạn san hô”.

Tài nguyên quý giá

Hơn 275 triệu người phụ thuộc vào các rạn san hô vì thực phẩm, bảo vệ bờ biển, thu nhập du lịch, và ý nghĩa văn hóa.


Rạn san hô mắc phải nhựa bị bệnh - Ảnh của Joleah Lamb.

Rạn san hô mắc phải nhựa bị bệnh - Ảnh của Joleah Lamb.

Người ta cho rằng nhựa tạo điều kiện phát triển cho các loại bệnh tật trên những động vật biển không xương sống hình thành các rạn san hô. Các san hô dạng nhánh hoặc có hình giống ngón tay có nguy cơ cao nhất bị vướng phải các mảnh nhựa vỡ.

Các nhà khoa học cho biết, đó là môi trường sống quan trọng của các loài cá và các ngư trường.

Tiến sĩ Lamb, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Rất nhiều lần chúng tôi vớt được những bao gạo lớn hay những túi nhựa đựng đồ. Những gì chúng tôi tìm thấy là những rạn san hô phức tạp này, như các nhánh hay san hô hình ngón tay sẽ dễ vướng phải những loại nhựa này nhiều hơn gấp tám lần”.

Trong nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu quốc tế đã khảo sát hơn 150 rạn san hô từ 4 nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2011 đến năm 2014.


Các mảnh nhựa trên bãi biển ở Sulawesi, Indonesia – Ảnh của Joleah Lamb.

Các mảnh nhựa trên bãi biển ở Sulawesi, Indonesia – Ảnh của Joleah Lamb.

Nhựa được tìm thấy trên một phần ba số rạn san hô được khảo sát. Các rạn gần Indonesia có nhiều nhựa nhất, trong khi tại các rạn ở Úc mức độ nhựa là ít nhất. Các rạn ở Thái Lan và Myanmar thuộc khoảng giữa.

Tiến sĩ Lamb cho biết: “Số lượng ước tính của các đồ dùng nhựa không qua quản lý ở nước ta – cũng như cách họ xử lý lượng rác thải nhựa – là yếu tố dự đoán vững chắc về lượng nhựa chúng ta tìm được trên các rạn san hô”.

Các rạn san hô phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Hiện tượng tẩy trắng san hô do việc nước biển nóng lên bất thường gây ra. Các cá thể san hô đẩy các tế bào tảo trong mô ra ngoài, khiến san hô bị mất màu. Chúng có thể phục hồi nếu những thay đổi về nhiệt độ duy trì trong một thời gian ngắn vừa phải, nhưng quá trình này có thể mất rất nhiều năm.

Còn nhắc đến các loại bệnh, các sinh vật tấn công san hô, khiến san hô gần chết. Nghiên cứu trước đó cho thấy rằng các mảnh nhựa có thể gây áp lực lên san hô qua việc chặn ánh sáng và oxy, do đó sẽ mang lại cơ hội kiểm soát cho các mầm bệnh.


Nhựa nổi trên các rạn san hô - Ảnh của Kathryn Berry.

Nhựa nổi trên các rạn san hô - Ảnh của Kathryn Berry.

Dựa trên các dự đoán về lượng rác thải nhựa đổ ra biển, các nhà nghiên cứu tính toán rằng lượng đồ nhựa mắc vào các rạn san hô khu vực Châu Á – Thái Bình dương có thể tăng từ 11,1 tỉ lên 15,7 tỉ món vào năm 2025.

Ước tính mỗi năm có khoảng 4,8 – 12,7 tỉ tấn rác thải nhựa nhập vào đại dương. Hơn ¾ trong số đó được cho là từ đất liền.

Lộc Ninh (Theo BBC News)