Môn học “hạnh phúc” có thật ở trường

(Dân trí) - Toán, văn, sinh học, ngoại ngữ, thể dục – ai cũng biết đó là những môn học ở trường; còn “hạnh phúc” – không phải đùa đâu, có một nơi trẻ em thực sự học môn hạnh phúc ở trường.

Môn học “hạnh phúc” có thật ở trường - 1

Năm 2007, một ngôi trường ở thành phố Heidelberg, Đức, đã đưa vào giảng dạy môn học hạnh phúc cho các em học sinh. Thày hiệu trưởng khi đó của trường – Ernst Fritz-Schubert chính là người phát kiến và soạn lập chương trình cho môn học này. Đến nay ông vẫn tiếp tục truyền bá khái niệm này cho nhiều thế hệ giáo viên khác.

Khi được hỏi do đâu mà ông nảy ra ý tưởng đó, phải chăng trẻ em ở Đức cần học cách cảm thấy hạnh phúc, nhà giáo Fritz-Schubert đã trả lời rằng sau 30 năm dạy học, ông nhận thấy rõ trẻ con không hề vui khi đến trường và nhà trường nên có thêm một nhiệm vụ là đánh thức và nuôi dưỡng hứng thú học tập cho các em chứ không chỉ khuyến khích các em đạt được thành tích cao trong học tập. “Tôi có cảm giác trường học dần dần dập tắt sự tò mò ham hiểu biết của chúng ta. Trái với tất cả kiến thức về tâm lý học, nhiều giáo viên coi học sinh như những cỗ máy học để “tái sinh” những kiến thức họ đã truyền đạt. Nhưng nếu thày cô tự coi mình là những người đi săn tìm kho báu chứ không phải là người đi soi tìm lỗi của học sinh thì cả hai phía thày và trò đều nhận được những tác động tích cực.

Nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, các em càng dễ bị tác động tiêu cực và dẫn đến mất hứng thú học tập. Tôi thiết kế ra môn học hạnh phúc để giúp các em giữ vững được giá trị, nhân cách của mình. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy người hạnh phúc và hài lòng thì sẽ tranh cãi ít hơn, khỏe mạnh hơn, dễ tiếp thu và sang tạo hơn.”

Vậy môn học này có gì hay?

Dạy các em về sự hài lòng và có kĩ năng sống, đấy chính là mục đích của môn học hạnh phúc. Điều đó có nghĩa là các em biết tìm ra một mục đích, cảm nhận thế nào là an toàn, hiểu được các mối quan hệ giữa các em với những người xung quan, biết tự quyết định các việc mình làm, tự chấp nhận bản thân, sống hài hòa với môi trường xung quanh và phát triển tố chất cá nhân.

Môn học có thể chia làm nhiều bước với 4 câu hỏi gợi ý: Tôi là ai? Tôi cần gì? Tôi có khả năng gì? Tôi muốn gì? Các em sẽ học cách nhận ra những ước mơ và nhu cầu của mình, sau đó hình thành các mục tiêu và tìm cách thực hiện. Đồng thời các em cũng học được ý nghĩa của thất bại, nói cách khác là những mất mát. Ngay từ nhỏ các em đã biết xử lí tốt trước những thất bại, nhìn nhận thất bại như một cơ hội và biết vượt qua những thử thách sau này, là vô cùng quan trọng.

Thày, trò dạy và học gì trong mỗi giờ học?

Trong mỗi giờ học hạnh phúc, giáo viên kết hợp cung cấp kiến thức tâm lí cho các em và giao bài tập thực hành phù hợp. Điều này vô cùng hữu ích, nó tạo ra những trải nghiệm thực sự khuyến khích các em và ghi dấu ấn sâu sắc trong trí nhớ các em.

Tiến sĩ Fritz-Schubert lấy ví dụ: Có một bài tập rất hay về lòng tự trọng cho học sinh tiểu học: Khi 1 em đang ngồi, các bạn khác đi qua và nói nhỏ với em một điều gì đó hay, tốt về em. Qua đó các em học được rằng khi được ngợi khen, người ta cảm thấy sung sướng vui vẻ, và chê bai, hạ thấp người khác mang lại cảm giác buồn rầu, khó chịu. Với học sinh các lớp lớn hơn, tôi đã xây dựng những bài tập dưới dạng ra trò chơi, giúp các em nhìn ra phẩm chất của bản thân mình và những ưu điểm trong tính cách của mình.

Những tiết học hạnh phúc ảnh hưởng thế nào đến các em?

Các nghiên cứu trong quá trình giảng dạy môn học đã khẳng định các em đã phát triển sâu sắc về ý thức tự trọng, giá trị của bản thân và yêu quí chính bản thân mình. Các em biết quan tâm và hiểu cho người khác nhiều hơn, cởi mở hơn với mọi người, tự tin hơn về những năng lực mình có và theo đuổi những mục tiêu của mình một cách lạc quan.

Từ khi Tiến sĩ Fritz-Schubert nảy ra ý tưởng, rồi xây dựng giáo trình giảng dạy đến nay, đã có khoảng 40 trường ở Đức và 140 trường ở Áo chính thức dạy môn hạnh phúc và từ năm 2009 đến nay, có hơn 500 giáo viên nữa được ông đào tạo.

“Giáo viên phải là người phát hiện ra những kho báu ở học trò chứ không phải là người đi soi tìm lỗi của các em.” – đó là triết lí mà Tiến sĩ Tâm lí học Ernst Fritz-Schubert tâm huyết truyền đạt cho các thế hệ giáo viên đi sau.

Phạm Hường (Tổng hợp)