Môi trường không gian ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe con người?

(Dân trí) - Là một sinh vật sống trên trái đất, bạn có thể thừa nhận rằng cơ thể chúng ta không được chuẩn bị tốt cho cuộc sống bên ngoài bầu không khí thoải mái của hành tinh chúng ta. Vậy môi trường không gian ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe con người?

Môi trường không gian ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe con người? - 1

Một nhóm các nhà khoa học Nga đã phân tích máu của 18 phi hành gia đã bay vào vũ trụ để tìm xem du hành vũ trụ ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ như thế nào. Các kết quả được công bố gần đây trên tạp chí Nature Scientific Reports.

Kết quả là, môi trường không trọng lượng và các điều kiện kỳ lạ khác của vũ trụ gây choáng váng cơ thể. Theo cách nói của nhà nghiên cứu, "cơ thể con người không biết phải làm gì", vì vậy nó đẩy hệ thống miễn dịch vào trạng thái tăng tốc và tăng cường mọi khả năng phòng vệ của nó, giống như điều sẽ xảy ra nếu cơ thể gặp phải một sự nhiễm trùng khó chịu.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu những ảnh hưởng của việc du hành vũ trụ kể từ những ngày đầu tiên của cuộc đua vào vũ trụ. Cho đến nay, họ đã phát hiện ra một số ảnh hưởng của việc đi du lịch không gian đối với quá trình trao đổi chất, dự trữ nhiệt, nhịp tim, cơ,... Giờ đây, họ đã xem xét nó ảnh hưởng đến con người như thế nào ở mức độ phân tử.

Họ đã tìm kiếm 125 mẫu protein trong huyết tương của 18 phi hành gia Nga, những người đã tham gia vào các phi vụ dài hạn đến Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Họ lấy mẫu máu 30 ngày trước khi họ đi làm nhiệm vụ, ngay sau khi họ trở về trái đất, và bảy ngày sau khi hạ cánh.

“Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã lấy một tập hợp các mẫu protein - các ký hiệu sinh học không gây bệnh truyền nhiễm", nhà nghiên cứu chính Evgeny Nikolaev, Viện Vật lý và Công nghệ Matxcơva, cho biết trong một tuyên bố." Kết quả cho thấy ở trạng thái không trọng lượng, hệ thống miễn dịch hoạt động giống như khi cơ thể bị nhiễm bệnh vì cơ thể con người không biết phải làm gì và cố gắng bật tất cả các hệ thống phòng vệ có thể ".

Nồng độ của một số protein vẫn không thay đổi qua chuyến du hành, một số khác nhanh chóng hồi phục sau khi trở về trái đất, trong khi một số khác lại mất nhiều thời gian để quay lại mức độ tập trung trước đây. Trong số 125 protein, có 19 protein bị ảnh hưởng bởi chuyến bay không gian.

Các protein huyết tương có nồng độ thay đổi trong suốt chuyến bay bao gồm các quá trình liên quan đến sự hủy hoại tế bào bởi các phân tử gốc tự do (oxidative stress), bộ khung tế bào (cytoskeleton), sự tăng tế bào (cell proliferation), sự trao đổi glucose và lipid, tổn thương tế bào và phản ứng sửa chữa, cơ chế gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis) , chuyển hóa canxi/collagen, sự vận chuyển lipoprotein, chức năng tế bào, suy giảm protein và chuyển hóa năng lượng tế bào ", nhóm nghiên cứu viết trong nghiên cứu của họ.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu hy vọng các phi hành gia có thể làm bài kiểm tra máu trong khi ở trên quỹ đạo để phát hiện các protein cụ thể hơn.

Một trong những nghiên cứu đầy tham vọng nhất để xem xét các ảnh hưởng của việc du hành vũ trụ trên cơ thể là "Nghiên cứu sinh đôi - Twin Study" gần đây của NASA. Scott Kelly đã trải qua một năm trên ISS, trong khi người anh em song sinh Mark vẫn còn ở lại Trái Đất. Một lần trở về nhà trên trái đất, họ so sánh sự khác biệt di truyền giữa hai người.

Thiên Hương (Theo IFLScience)