Loài quạ New Caledonian cho thấy công nghệ phát triển bằng cách nào?

(Dân trí) - Loài quạ này có thể tạo ra những dụng cụ bắt mồi hết sức hiệu quả, nhanh gấp 10 lần so với việc sử dụng một nhánh cây thông thường.

Loài quạ New Caledonian cho thấy công nghệ phát triển bằng cách nào? - 1

Loài quạ biết chế tạo công cụ này đã cho chúng ta thấy những nền tảng đầu tiên của một bước đột phá về công nghệ.

Loài quạ New Caledonian biết làm lưỡi câu từ thực vật, dùng chúng để “câu” ấu trùng và nhện.

Các thí nghiệm đã tiết lộ rằng những công cụ hình móc câu này bắt mồi nhanh gấp 10 lần một cành cây.

Việc đo lường tác dụng của những lưỡi câu này cho các nhà khoa học biết thêm về động lực phát triển công dụng của công cụ này.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học cho biết thông tin này đã mang lại hình dung ban đầu về “sự phát triển của một công nghệ mới” trong thế giới động vật.

Những phát hiện này được đăng trên tạp chí Nature Ecology and Evolution.

Loài quạ này là động vật duy nhất được biết có khả năng làm ra móc câu.

Những lưỡi câu đầu tiên do con người làm ra, khoảng 23.000 năm trước, là một trong những dấu mốc công nghệ quan trọng nhất trong lịch sử.

Các nhà khảo cổ học, những người đã khám phá ra những lưỡi câu khắc bằng vỏ sò trong một hang động trên hòn đảo Okinawa, Nhật Bản, cho biết “công nghệ biển” thuở ban đầu này cho phép con người sống sót trên các hòn đảo.

Nhà nghiên cứu đứng đầu trong nghiên cứu về loài quạ này, Giáo sư Christian Rutz, nói với BBC News: “Lưỡi câu được con người phát minh cách hiện tại không xa – chỉ khoảng 1.000 thế hệ trước, chỉ bằng một cái chớp mắt trong quá trình tiến hóa.Khi bạn nghĩ rằng chúng ta trải qua 1.000 thế hệ đó từ việc làm thủ công những lưỡi câu đến xây dựng tàu con thoi – điều đó đúng là vượt quá sức tưởng tượng”.


Công cụ hình móc câu do quạ New Caledonian làm - Ảnh từ đoạn phim của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Christian Rutz đứng đầu.

Công cụ hình móc câu do quạ New Caledonian làm - Ảnh từ đoạn phim của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Christian Rutz đứng đầu.

Việc hiểu được động lực thúc đẩy việc sản xuất công cụ của loài quạ này mang lại cho Giáo sư Rutz cùng các đồng nghiệp của ông một “hình mẫu phi nhân loại” độc đáo và giá trị để điều tra nguồn gốc của bước tiến quan trọng này trong quá trình tiến hóa của loài người.

Giáo sư Rutz cho biết: “Khi tôi thấy những con quạ này làm công cụ hình móc câu, tôi có một hình dung mơ hồ về những cơ sở của một công nghệ đang phát triển”.

Juan Lapuente, một nhà sinh thái học đến từ Đại học Wurzburg, Đức, nghiên cứu về việc sử dụng công cụ của động vật linh trưởng, cho biết hành vi chế tạo và sử dụng công cụ của loài quạ này thật “đáng kinh ngạc”.

Ông bổ sung: “Chúng ta thường cho rằng loài vật càng gần giống con người, thì chúng càng thông minh và do đó chúng ta càng hiểu những loài linh trưởng đó dễ hơn và nhất là loài tinh tinh biết chế tạo và sử dụng công cụ.Nhưng chúng ta phải khiêm tốn hơn và chấp nhận rằng có nhiều loài động vật “não nhỏ” đủ thông minh để chế tạo và sử dụng các công cụ và đôi khi chúng còn thành thạo việc này hơn những người anh em họ của chúng ta”.

Giáo sư Rutz cho biết vì ông chỉ có thể dự đoán về sự phát triển tương lai của những công cụ do quạ làm, ông không nghĩ rằng loài chim này không chỉ dừng ở việc làm ra những chiếc móc câu này.

Ông nói: “Tôi nghĩ loài chim này sẽ còn làm ra được những công cụ tốt hơn nữa”.

Lộc Xuân (Theo BBC News)