Lần đầu tiên nuôi cấy thành công “bộ não tí hon” trong phòng thí nghiệm

(Dân trí) - Trong một đột phá khoa học lớn, các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy thành công các bộ não tí hon “Frankenstein” trong phòng thí nghiệm để khám phá các bí mật đằng sau lý do tại sao con người lại thông minh hơn nhiều so với các loài động vật khác.

Lần đầu tiên nuôi cấy thành công “bộ não tí hon” trong phòng thí nghiệm - 1

Một nhóm nghiên cứu ở Đức đã thành công trong việc phát triển các bộ phận nhỏ trong não người và khỉ đột từ giai đoạn đầu tiên để so sánh cách thức chúng phát triển và hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa chúng.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm soát để đánh lừa các tế bào bạch cầu trong máu người và khỉ để tạo thành tế bào gốc và phát triển thành các phiên bản bộ não thu nhỏ và đã được đơn giản hóa.

Chuyên gia về thần kinh Louis Reichardt – giám đốc Tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Bệnh Tự kỷ Simons - cho biết những bộ não tí hon này đã giúp các nhà khoa học hiểu biết sâu sắc hơn rất nhiều về bộ não của con người.

Ông cho hay “những kỹ thuật mới này đơn giản đến kỳ lạ. Chúng ta có thể tìm hiểu được khá nhiều từ chúng”.

Những bộ não được tạo ra trong phòng thí nghiệm này có thể sinh trưởng trong vòng vài tuần hoặc thậm chí là kéo dài tới cả một năm, điều này cũng có nghĩa là các nhà nghiên cứu có thể so sánh về mức độ khác biệt giữa não người và não khỉ.

Những thí nghiệm đáng chú ý này đã mở ra một cảnh cửa mới cho các chuyên gia thần kinh học, và có thể góp phần dẫn đến những tiến bộ khoa học quan trọng.

Ông Simon Fisher – giám đốc Viện nghiên cứu Tâm lý Max Planck cho biết: “các nhà nghiên cứu đã hơi nản lòng khi phải làm việc với các công cụ nghiên cứu truyền thống trong nhiều năm qua. Bây giờ, chúng ta đã có những công cụ hết sức thú vị sẽ giúp chúng ta tìm hiểu xem những gen nào là quan trọng”.

Mặc dù những bộ não trong phòng thí nghiệm này mới chỉ được nuôi cấy trong vòng chưa tới hai năm, nhưng các nhà khoa học đã khám phá được rằng sự phát triển sớm của bộ não con người chính là lý do tại sao nó có thể tăng trưởng rất nhiều về kích thước và năng lực trong các giai đoạn sau.

Phát hiện này có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu lý do tại sao con người lại có trí nhớ, sự chú ý, sự nhận thức, ngôn ngữ và khả năng suy nghĩ tốt hơn.


Các tế bào bạch cầu đã được sử dụng để tạo ra các “bộ não tí hon”.

Các tế bào bạch cầu đã được sử dụng để tạo ra các “bộ não tí hon”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng kết quả của những thí nghiệm này sẽ không nhất thiết mang đến một bức tranh toàn cảnh.

Phát hiện này của các nhà khoa học chỉ là bước đầu tiên trong việc tìm hiểu lý do tại sao bộ não của con người lại khác biệt với các loài động vật khác.

Anh Thư (Theo Express)