Kỹ thuật hạt nhân đã góp phần tạo ra những giống lúa với năng suất cao

(Dân trí) - Chuyên gia hàng đầu đến từ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đã sử dụng rộng rãi kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, y học. Thành tựu lớn nhất là chúng ta đã có được những giống lúa với năng suất cao bằng công nghệ bức xạ.

Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Chiều 2/8, Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc, lần thứ 12 tiếp tục diễn ra tại Nha Trang, trong đó đáng chú ý là Hội thảo: “Ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp và y tế”, với các tham luận đến từ các chuyên gia của IAEA, Cộng hòa Séc và Việt Nam.

Chia sẻ bên lề với báo chí, TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết: Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc được tổ chức 2 năm một lần nhằm giúp các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân trao đổi về những thành tựu đạt được trong 2 năm qua, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu.

“Hội nghị lần này, mình có mời các chuyên gia quốc tế đến để họ chia sẻ những kết quả hiện tại trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân ở trên thế giới và cũng là cơ hội để cung cấp thông tin mới nhất đến các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân”, TS Quang nói.

Theo TS Quang, hiện nay Việt Nam đã sử dụng rộng rãi kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, y học. “Thành tựu lớn nhất là chúng ta đã có được những giống lúa với năng suất cao bằng công nghệ bức xạ. Với thành tựu này thì IAEA cũng đã trao giải cho Việt Nam là chúng ta đã tạo ra các dòng đột biến lúa năng suất cao.”, TS Quang cho biết.

Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, thời gian gần đây Việt Nam đã đưa các kỹ thuật hạt nhân ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, có rất nhiều các kỹ thuật hiện đại ví dụ như các thiết bị chụp CT cắt lớp với độ phân giải cao; ứng dụng trong việc chẩn đoán sớm các bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư và giúp có phác đồ điều trị sớm, đem lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh rất tốt.

Nói về việc các chuyên gia quốc tế đánh giá thế nào về việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ cho sản xuất, phục vụ lợi ích cộng đồng của Việt Nam, ông Quang nói: “Các bạn thấy rằng, Việt Nam là một quốc gia tuy là đang phát triển nhưng đã sử dụng kỹ thuật hạt nhân ở mức độ cũng rất cao”.

“Các bạn thấy rằng, đến Việt Nam các bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà các bạn đang có và các bạn thấy rằng, đối với Việt Nam mà kỹ thuật mà các bạn sử dụng cũng không phải xa lạ. Nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng rất ngạc nhiên là ở Việt Nam cũng đã sử dụng các kỹ thuật rất tiên tiến và có thể nói là hiện đại nhất ở trên thế giới”, ông nói thêm.

TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, chiều 2/8
TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, chiều 2/8

Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, đáng chú ý trong chiều cùng ngày là tham luận: “Ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư” của GS Mai Trọng Khoa, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Kỹ thuật này được đánh giá là tiết giảm chi phí và tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12 do Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức, kéo dài trong 3 ngày, từ 2-4/8. Hội nghị được tổ chức 2 năm một lần kể từ năm 1996.

Các đại biểu quốc tế dự hội nghị đến từ các quốc gia có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến như Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Singapore…

Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu, các chuyên gia đến từ Lào, Campuchia…

Viết Hảo