Khám phá nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của biểu tượng hòa bình

(Dân trí) - Được ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ, cho đến nay ký hiệu vòng tròn với 3 đường kẻ, đã được người dân trên toàn thế giới sử dụng như một biểu tượng chung và chính thức cho “hòa bình”. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc, cũng như ý nghĩa sâu xa của từng chi tiết trên biểu tượng nổi tiếng này.

Biểu tượng của hòa bình có lẽ đã không còn xa lạ đối với hầu hết chúng ta, đặc biệt là khi nó xuất hiện ngày càng nhiều trong các cuộc mít tinh phản chiến, vốn rộ lên thời gian gần đây. Tuy nhiên, biểu tượng hòa bình cũng đã và đang gây ra nhiều cuộc tranh cãi trong dư luận.

Theo đó, một số ý kiến cho rằng, thực chất ký hiệu vòng tròn 3 dường kẻ này lại là biểu trưng cho lực lượng chống đạo Cơ-đốc, số khác lại quy cho nó là dấu hiệu của quỷ satan. Thậm chí, không ít người còn tin rằng, biểu tượng này thuộc về chủ nghĩa Phát xít.

Khám phá nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của biểu tượng hòa bình - 1

Mặc dù có nhiều đồn đoán là vậy nhưng trên thực tế, biểu tượng hòa bình có một gốc tích khá rõ ràng. Được biết, cha đẻ của biểu tượng này là họa sĩ Gerald Holtom. Nó được ra đời trong một chiến dịch kêu gọi các cường quốc cắt giảm vũ khí hạt nhân của người Anh, vào năm 1958.

Theo lời giải thích của tác giả Gerald Holtom, mỗi chi tiết trên biểu tượng hòa bình mà ông thiết kế ra đều mang một ý nghĩa riêng. Cụ thể, theo hệ thống tín hiệu semaphore (hệ thống truyền tin bằng cờ hoặc ánh sáng từng rất phổ biến), đường thẳng ở chính giữa đại diện cho chữ “D”. Trong khi đó, 2 đường kẻ chéo phía dưới là biểu thị cho chữ “N”. Khi ghép lại chúng ta được “N D” viết tắt của “ Nuclear Disarmament” có nghĩa là “Giải trừ vũ khí hạt nhân”, trong tiếng Việt.

Khám phá nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của biểu tượng hòa bình - 2

Trong bức thư gửi đến tổng biên tập tờ Peace News, họa sĩ Gerald Holtom cũng từng tiết lộ một câu chuyện hết sức thú vị, liên quan đến quá trình tạo ra biểu tượng nổi tiếng này của ông. Theo đó, Gerald đã từng đi vào ngõ cụt, khi được giao nhiệm vụ thiết kế biểu tượng của hòa bình.

Vào thời khắc bế tắc trong ý tưởng thiết kế, ông đã tự vẽ nguệch ngoạc hình ảnh của mình lên giấy, về một kẻ tuyệt vọng với hai bàn tay giơ xuống phía dưới, tựa như bức tranh tả người nông dân trước giờ xử bắn, của danh họa Francisco de Goya.Kỳ diệu thay, chính những nét vẽ vô định này lại trở thành nguồn cảm hứng cho biểu tưởng hòa bình, mà chúng ta vẫn biết tới ngày hôm nay.

Khám phá nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của biểu tượng hòa bình - 3

Thảo Vy

Theo Britanica