Hóa thạch người ở Israel có thể viết lại lịch sử loài người

(Dân trí) - Hóa thạch người cổ nhất ngoài châu Phi vừa được phát hiện ở Israel. Việc khám phá ra hóa thạch ở Israel này tiết lộ rằng con người đã rời châu Phi sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.


Hóa thạch gồm một xương hàm trên cùng vài chiếc răng được tìm thấy ở một trong các khu vực hang động thời tiền sử ở Israel.

Hóa thạch gồm một xương hàm trên cùng vài chiếc răng được tìm thấy ở một trong các khu vực hang động thời tiền sử ở Israel.

Phát hiện mới cho thấy những người đầu tiên đã di cư đến Trung Đông sớm hơn khoảng 100.000 năm so với những suy nghĩ trước đây.
Phát hiện mới cho thấy những người đầu tiên đã di cư đến Trung Đông sớm hơn khoảng 100.000 năm so với những suy nghĩ trước đây.

Từ lâu, các nhà khoa học đã tin rằng con người - hoặc Homo sapiens - đã rời Châu Phi khoảng 100.000 năm trước. Tuy nhiên, hóa thạch mới với tên Misliya-1 được tìm thấy ước tính khoảng từ 175.000-200.000 năm tuổi. Cho đến nay, nó là bằng chứng lâu đời nhất về con người hiện đại được phát hiện bên ngoài Châu Phi.

Giáo sư Rolf Quam, nhà nhân chủng học tại Đại học Binghamton, đồng tác giả nghiên cứu gọi nó là “một phát hiện thú vị” và cho biết: "Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tổ tiên chúng ta đã di cư ra khỏi châu Phi sớm hơn chúng ta từng tin tưởng trước đây".

"Điều này thay đổi toàn bộ khái niệm về tiến hóa con người hiện đại", Giáo sư Israel Hershkovitz, một nhà nhân chủng học tại Đại học Tel Aviv, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết thêm.

Phát hiện mới này cũng phù hợp với các nghiên cứu di truyền trước đây mà cho thấy khả năng con người hiện đại phân tán ra khỏi Châu Phi từ khoảng 220.000 năm trước.

Giáo sư Quam cho rằng điều đó có nghĩa là con người hiện đại có nhiều cơ hội để tương tác với các loài người cổ đại khác. Ông phát biểu với Independent "Nó cũng có nghĩa là con người hiện đại có khả năng gặp và tương tác trong một khoảng thời gian dài với các nhóm người cổ đại khác, tạo ra nhiều cơ hội trao đổi văn hóa và sinh học".

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số kỹ thuật xác định ngày để có được tuổi chính xác của mẫu vật, và phân tích nó bằng cách sử dụng các mô hình quét microCT và các mô hình ảo 3D để so sánh nó với các hóa thạch khác của con người từ khắp nơi trên thế giới.

Giáo sư Quam cho hay: "Trong khi tất cả các chi tiết giải phẫu của hóa thạch Misliya đều hoàn toàn phù hợp với con người hiện đại, một số đặc điểm cũng được tìm thấy trong Neandertals và các nhóm người khác. Một trong những thách thức trong nghiên cứu này là xác định các đặc điểm của Misliya chỉ được tìm thấy trong con người hiện đại. Đây là những đặc điểm cung cấp tín hiệu rõ nhất về việc hóa thạch Misliya đại diện cho loài nào."

Bên cạnh bản thân hóa thạch, các nhà khảo cổ đã khai quật các hòn đá gần đó được hình thành bởi con người theo một cách tinh vi được gọi là kỹ thuật Levallois.

Kỹ thuật này liên quan đến việc mài các mảnh đá để tạo thành các dụng cụ, và đã được ghi lại trong các mẫu vật của con người ở Châu Phi.

Bằng chứng khảo cổ này chứng minh rằng những người định cư ở Trung Đông sớm có khả năng săn các loài động vật lớn.

Theo ông Simon Underdown, một nhà nhân chủng học tại Đại học Oxford Brookes, người không tham gia nghiên cứu, chia sẻ "Đây là một phần rất thú vị của khảo cổ học; sẽ luôn luôn thú vị khi tìm thấy các hóa thạch mới, đặc biệt là khi chúng có từ những ngày đầu như vậy”.

Ông cũng ghi nhận những phương pháp nghiêm ngặt mà các nhà nghiên cứu đã áp dụng cho mẫu Misliya để xác nhận tính chính xác của niên đại của chúng.

Và bằng cách phân bố ra khỏi châu Phi, con người hành xử giống như những con vật khác di cư tìm kiếm các nguồn tài nguyên, tiến sĩ Underdown cho biết thêm.

"Chúng tôi biết có rất nhiều loài động vật khác đang làm việc này, theo dõi các nguồn thực phẩm và vận động ứng phó với biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường. Và "những con người thời sơ khai đang làm chính xác điều đó”.

Theo mirror đưa tin, việc biết thời gian và các tuyến đường di cư ra khỏi Châu Phi là điều cốt yếu để hiểu về sự tiến hóa của loài người hiện đại. Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng phát hiện mới này sẽ giúp làm sáng tỏ sự di chuyển của những con người đầu tiên thông qua Trung Đông.

Đào Hiền (Tổng hợp)