Hàn Quốc đưa công nghệ 5G phục vụ Thế vận hội mùa đông 2018

(Dân trí) - Một trong những điểm nổi bật của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 là việc ứng dụng các công nghệ cao. Kỳ thế vận hội này sẽ đi vào lịch sử trở thành thế vận hội đầu tiên sử dụng công nghệ mạng 5G.

Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 sẽ chính thức diễn ra trong 17 ngày, từ 9 – 25/2/2018 tại tỉnh Gangwon - Hàn Quốc. Sự kiện này sẽ có khoảng 6000 vận động viên đến từ gần 100 quốc gia trên khắp thế giới, tranh 102 bộ huy chương ở 15 bộ môn thể thao mùa đông.

Slogan của Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 là “Passion. Connected!” (tạm dịch “Đam mê kết nối”) với mong muốn đem đến một kỳ thế vận hội hòa hợp với 95 quốc gia tham dự sự kiện này.

Một trong những điểm nổi bật của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 là việc ứng dụng các công nghệ cao. Kỳ thế vận hội này sẽ đi vào lịch sử trở thành thế vận hội đầu tiên sử dụng công nghệ mạng 5G, mạng thực tế ảo 360 VR, Omni-view, Glasses-Free 3D và Hologram sẽ đem lại những trải nghiệm thực tế hoàn hảo cho du khách tại đất nước có tốc độ đường truyền internet phổ cập được đánh giá số 1 thế giới.

Hàn Quốc đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Ảnh: TL.
Hàn Quốc đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Ảnh: TL.

Mạng 5G được phủ sóng từ sân bay cho đến trung tâm báo chí, các địa điểm thi đấu của thế vận hội. Công nghệ này không chỉ cho phép người sử dụng truy cập mạng với tốc độ “khủng” mà còn có thể chụp ảnh không gian 3 chiều hay trải nghiệm thực tế ảo... Đặc biệt, là sẽ có hệ thống camera định vị gắn vào chân vận động viên trong suốt quá trình thi đấu.

Những hình ảnh nóng hổi trên từng cung đường thi đấu của các vận động viên sẽ đến với BTC cũng như khán giả một cách nhanh nhất, hấp dẫn nhất.

Linh vật biểu tượng của sự kiện là hổ trắng thần thoại Soohorang (màu trắng của tuyết, biểu tượng của tỉnh Gangwon, thể hiện sự bảo hộ cho các vận động viên tại Olympic PyeongChang 2018) và gấu đen Bandabi (mang ý nghĩa của sự kiên trì, nỗ lực, mạnh mẽ cho Para Olympic). Logo của sự kiện cũng được thiết kế lấy cảm hứng từ chữ cái P của từ PyeongChang, 5 vòng xoay Olympic là hình ảnh của bông hoa tuyết 5 cánh ngũ sắc.

Theo thông tin từ Ủy ban Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, sự kiện này ước tính sẽ có sự tham gia của khoảng 6000 vận động viên đến từ gần 100 quốc gia trên khắp thế giới, tranh 102 bộ huy chương ở 15 bộ môn thể thao mùa đông.

Hàn Quốc đã chi hơn 12 nghìn tỉ won để xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng phục vụ thế vận hội. Các địa điểm thi đấu gồm Công viên Phoenix Snow, Công viên Alpensia Olympic, Trung tâm Olympic Sliding, Trung tâm Jeongseon Alpine, Trung tâm Younpyong Alpine, Sân vận động Pyeongchang Olympic…

Nhiều du khách đến Hàn Quốc thích thú với linh vật biểu tượng của Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Ảnh: Ngân Liên.
Nhiều du khách đến Hàn Quốc thích thú với linh vật biểu tượng của Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Ảnh: Ngân Liên.

Ban tổ chức sẽ phát hành khoảng 1.180.000 vé, trong đó có 1.070.000 vé sẽ được bán qua các kênh phân phối trong và ngoài nước (70% số vé bán trong nước, 30% bán ở nước ngoài). Tính đến thời điểm hiện tại đã bán được 160.000 vé. Và từ 5/9 tới sẽ bắt đầu mở bán vé qua kênh online chính thức của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018.

Kịch bản của lễ khai mạc và bế mạc của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 đang trong quá trình hoàn thiện. Người đóng vai trò đạo diễn sáng tạo của sự kiện khai mạc và bế mạc là ông Song Seung Whan, người đã sáng tạo nên chương trình Nanta show nổi tiếng ở xứ Hàn.

Theo thông tin từ Ủy ban Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, khoảng 16.000 tình nguyện viên đã được tuyển chọn từ các nước trên khắp thế giới sẽ tham gia phục vụ thế vận hội.

Hà Tùng Long