Hai nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã phê duyệt trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cho hai nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất.

Theo đó, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 đã được trao cho PGS.TS. Nguyễn Sum, Trường Đại học Quy Nhơn với Công trình trong lĩnh vực Toán học: “Nguyễn Sum, 2015. On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274, 432-489”.

Nhà khoa học thứ 2 được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 là GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM với Công trình trong lĩnh vực Hóa học “Giao H. Dang, Thinh T. Dang, Dung T. Le, Thanh Truong, Nam T. S. Phan, 2014. Propargylamine synthesis via sequential methylation and C-H functionalization of N-methylanilines and terminal alkynes under metal-organic-framework Cu2(BDC)2(DABCO) catalysis, Journal of Catalysis, Vol. 319, 258–264”.


Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam - một trong hai nhà khoa học được vinh dự nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 (Ảnh: ĐH QG TP.HCM)

Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam - một trong hai nhà khoa học được vinh dự nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 (Ảnh: ĐH QG TP.HCM)

Theo GS Đinh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, PGS. TS Nguyễn Sum được trao giải thưởng vì một bài báo dài 57 trang được công bố năm 2105 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu trên thế giới. Đây là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Đây là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990. Công trình được thực hiện hoàn toàn trong nước bởi một tác giả duy nhất chính là PGS.TS Nguyễn Sum.

GS. TS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực Hóa học Kỹ thuật. Công trình đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine. Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố.

Điểm đặc biệt là một công trình khoa học này được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam do 5 tác giả là người Việt Nam, hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài. Bài báo khoa học làm nên giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm: bài báo đã được trích dẫn 21 lần.

GS Phan Thanh Sơn Nam là GS trẻ nhất năm 2015 khi ông mới 36 tuổi. Từ năm 2010 GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh công bố được 48 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI theo hướng nghiên cứu trên.

Trước đó, ngày 28/4/2017, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 đã họp xem xét, đánh giá, lựa chọn các nhà khoa học được đề xuất. Kết thúc phiên họp, Hội đồng đã chọn hai 02 nhà khoa học nêu trên, đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Năm nay, Hội đồng không đề xuất Giải thưởng cho nhà khoa học trẻ.

Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam - 18/5/2017 tại Hà Nội.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu - giải thưởng hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia làm Cơ quan thường trực là Giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Đây là một kênh ghi nhận, tôn vinh đối với các nhà khoa học cơ bản rất kịp thời sau khi các kết quả khoa học xuất sắc của họ được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, qua đó thúc đẩy khoa học công nghệ của Việt Nam hội nhập và phát triển.

Năm 2017, Ban tổ chức đã tiếp nhận 30 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Qua 4 lần trao giải, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã vinh danh 11 nhà khoa học với 11 công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc. Đến nay Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trở thành giải thưởng khoa học có uy tín ở Việt Nam.

S.H