Giảng viên Xây dựng nhận giải thưởng lớn tại Đại hội Kiến trúc Thế giới

(Dân trí) - Đại hội Kiến trúc thế giới UIA lần thứ 26 vừa trao giải thưởng lớn Vassilis Sgoutas Prize cho kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào để ghi nhận những “đóng góp vô giá” của ông trong sáng tạo kiến trúc cho người nghèo ở nông thôn và vùng núi Việt Nam.


Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào vinh dự được nhận giải thưởng lớn của UIA.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào vinh dự được nhận giải thưởng lớn của UIA.

Ngày 6/9, tại Đại hội Kiến trúc thế giới lần thứ 26 diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc), Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) đã trao giải thưởng Vassilis Sgoutas Prize 2017 cho Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch của Đại học Xây dựng. Đây là Giải thưởng xét trao 3 năm 1 lần và Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng lớn, danh giá bậc nhất của Hiệp Hội Kiến trúc sư chuyên nghiệp thế giới.

Giải thưởng Vassilis Sgoutas Prize được đặt theo tên cựu Chủ tịch UIA Vassilis Sgoutas, vinh danh những sáng tạo và giải pháp kiến trúc góp phần cải thiện tình trạng nghèo đói và bần cùng.

Ban giám khảo của Giải thưởng này đã công nhận những nỗ lực của Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào trong việc cải thiện chất lượng sống của người nghèo ở vùng cao và nông thôn của Việt Nam, trong khi vẫn tôn trọng văn hóa truyền thống địa phương và môi trường tự nhiên.

Những tác phẩm kiến trúc xã hội, cộng đồng nổi bật của Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào như: nhà cộng đồng Suối Rè - Hoà Bình, nhà cộng đồng Tả Phìn-Sa pa, nhà cộng đồng Cẩm Thanh - Hội An, trường học Lũng Luông-Thái Nguyên, làng Đất Nậm Đăm-Quản Bạ-Hà Giang.


 Nhà cộng đồng Suối Rè - Hoà Bình (Ảnh Hoangducthao.vn)

Nhà cộng đồng Suối Rè - Hoà Bình (Ảnh Hoangducthao.vn)


Nhà cộng đồng Tả Phìn-Sa pa (Ảnh Hoangducthao.vn)

Nhà cộng đồng Tả Phìn-Sa pa (Ảnh Hoangducthao.vn)

Với quan điểm triết lý “kiến trúc hạnh phúc”, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào dành nhiều thời gian cho những dự án, công trình mang tính xã hội cao và thường xuyên khuyến khích sinh viên cùng tham gia. Hơn 20 công trình của thầy như nhà cộng đồng, sân chơi cho trẻ em, trường học, nhà ở nông thôn mới, nhà ở cộng nhân, trung tâm thiền hay nhà chống lũ… đều thực hiện ở địa bàn khó khăn, phục vụ thiết thực nhu cầu cộng đồng người yếu thế.

Giải thích về triết lý của mình với báo chí, Kiến trúc sư Hào cho chia sẻ: 7-8/10 quả đất này là những vùng không có kiến trúc ở khía cạnh không có kiến trúc sư chuyên nghiệp thiết kế cho họ. Thật khó để đòi hỏi những người nông dân hay người nghèo trả chi phí cho kiến trúc sư. Vậy làm thế nào để những kiến trúc sư chuyên nghiệp có thể thiết kế, có thể làm việc cho những cộng đồng như vậy? Đây là vấn đề chúng tôi đặt ra từ lâu nay, và chúng tôi theo đuổi kiến trúc gọi là hạnh phúc với 3 góc độ. Đầu tiên người kiến trúc sư phải hạnh phúc để dấn thân và làm việc vì con người và vì tương lại của văn hóa vùng đất đó.


Với triết lý kiến trúc hạnh phúc, KTS Hoàng Thúc Hào đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý.

Với triết lý "kiến trúc hạnh phúc", KTS Hoàng Thúc Hào đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý.

Thứ 2 là người sử dụng phải hạnh phúc, cái này chúng ta có thể đo được. Khi người ta vào sống trong ngôi nhà đó, làm việc trong công trình đó thì họ cảm thấy khỏe mạnh, khoan khoái, phấn khởi, thấy có lịch sử, thấy có tương lai…

Thứ 3 là bản thân công trình kiến trúc đó phải hạnh phúc, nghĩa là nó mang một sự ngạc nhiên bền vững, nó đổi mới truyền thống của vùng đất đó thành công và truyền cảm hứng cho khu vực đó cũng như ở khu vực khác.

“Làm việc cho những cộng đồng yếu thế, khu vực nông thông hay những khu vực gạt ra lề của xã hội… thì sẽ rất là khó bởi nó thiếu tri thức, thiếu nguồn lực về tài chính, thiếu về kỹ thuật công nghệ. Làm sao để làm ra một kiến trúc thích hợp với cộng đồng đó, giúp cộng đồng đó bộc lộ được tiếng nó của họ thông qua kiến trúc. Tuy họ là cộng đồng yếu thế, cộng đồng nghèo nhưng họ lại giữ được một trữ lượng văn hóa rất lớn trên quả đất này” – Kiến trúc sư Hào nói.

Nguyễn Hùng