Giải mã tín hiệu dị thường từ vũ trụ năm 1977

Một tín hiệu mạnh phát đi từ vũ trụ do một kính viễn vọng thu được năm 1977 cuối cùng cũng được giải mã, chấm dứt bí ẩn thiên văn suốt 40 năm nay.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Luồng sóng radio dài 72 giây dị thường bùng nổ từ hướng của chòm sao Nhân mã đã trở thành bài toán thách đố các nhà thiên văn học cho tới tận ngày nay.

Theo thông tin do giáo sư Antonio Paris tại Đại học St. Petersburg ở bang Florida (Mỹ) công bố, tín hiệu mạnh mẽ được Trạm quan sát phát thanh “Big Ear” của Đại học bang Ohio phát hiện ngày 15/8/1977.

Luồng sóng này có tần số lớn 1.420 MHz và rất khác thường đã khiến nhà thiên văn trong ca trực khi đó phải lấy bút đỏ viết “Ôi chao” lên bản dữ liệu.

Rất nhiều nhà thiên văn, nhà vật lý thiên văn, báo chí và bất cứ ai quan tâm đều đã đặt ra giả thuyết riêng để lý giải cho ý nghĩa của tín hiệu lạ này.

Sau 40 năm phát hiện, kết quả nghiên cứu của ông Paris về vùng không gian mà luồng sóng phát ra đã tiết lộ về một vật thể vũ trụ chưa từng được biết đến. Tạp chí Học viện Khoa học Washington đã đồng ý với kết quả ông Paris và sắp sửa công bố nghiên cứu này trên ấn phẩm.

Qua nghiên cứu kỹ lưỡng các bản ghi chép dữ liệu thiên văn về luồng sóng 1.420 MHz bí ẩn, giáo sư Paris phát hiện ra hai sao chổi, không được ghi lại vào năm 1977, đã bay ngang qua quỹ đạo Trái đất vào ngày 15/8/1977, trùng với ngày thu được tín hiệu lạ. Ông tin rằng đây không thể là một sự trùng hợp nên đã chờ đợi ngày hai sao chổi xuất hiện trở lại.

Bằng việc chĩa kính viễn vọng hướng về chúng, ông đã thu được tín hiệu tương tự như năm 1977. Ông khẳng định rằng luồng sóng năm 1977 là kết quả khi Trái đất đi qua một đám mây phân tử hydro do một trong hai sao chổi của Trái đất vừa thay đổi quỹ đạo tạo thành.

Theo Hoàng Trang/Báo Tin Tức