Giải mã những chiêu thức phổ biến dùng để viết mật thư, chữ ẩn

(Dân trí) - Bạn đã bao giờ nhận được một mật thư hay tham gia một trò chơi giải mã nào đó mà chỉ muốn phát điên lên vì không thể hiểu nó viết cái gì chưa? Những chiêu thức viết mật thư dưới đây có thể giúp bạn cảm thấy công việc này đơn giản hơn rất nhiều.

Giải mã những chiêu thức phổ biến dùng để viết mật thư, chữ ẩn - 1

Có rất nhiều loại mật thư khác nhau từng được biết đến, ví dụ như một bức thư “tàng hình” giống hệt trang giấy trắng tinh, một đoạn mật mã khó hiểu, hay một bài thơ mà thông tin chính được ẩn trong các câu thơ đó…

Nhưng nhìn chung, có 2 chiêu thức phổ biến thường được sử dụng để viết mật thư đó là: ẩn hình thức (sử dụng mực hoặc các chất liệu tàng hình) và ẩn nội dung (Bạch văn được che giấu bằng hệ thống mật mã hoặc những thông tin giả như bài thơ, bài hát…). Hãy cũng tìm hiểu cụ thể từng chiêu thức thường được dùng để viết mật thư này nhé.

Ẩn hình thức

Từ xa xưa, việc sử dụng mực hoặc các chất liệu “tàng hình” để viết mật thư đã được sử dụng khá phổ biến. Ngày nay, khi khoa học - công nghệ ngày càng phát triển vượt bậc, chiêu thức này càng trở nên tinh tế và khó để phát hiện hơn.

Hãy bắt đầu từ phương pháp cơ bản nhất của Henry Solomon Wellcome – mực vô hình từ… nước chanh. Có thể nói, Sir Henry Solomon Wellcome - một nhà kinh doanh dược phẩm nổi tiếng nước Anh chính là "ông tổ" của mực tàng hình.


Sir Henry Solomon Wellcome - một nhà kinh doanh dược phẩm nổi tiếng nước Anh chính là ông tổ của mực tàng hình.

Sir Henry Solomon Wellcome - một nhà kinh doanh dược phẩm nổi tiếng nước Anh chính là "ông tổ" của mực tàng hình.

Năm 16 tuổi, đã khám phá ra việc sử dụng nước chanh pha với một chút nước lọc, trộn đều hoặc dùng giấm thay thế để tạo ra một loại mực vô hình.

Loại mực hoạt động trên nguyên tắc hóa học của axit. Chanh hay giấm đều là các loại axit yếu, khi viết lên giấy sẽ gây phản ứng oxy hóa. Phản ứng này mắt thường ta khó quan sát được.

Chỉ khi nào chiếu ánh sáng UV hoặc hơ trang giấy trên lửa thì dòng chữ mới hiện lên. Nhiệt độ sẽ khiến nước chanh, giấm khô, nóng lên và chuyển sang màu nâu.


Mực vô hình từ nước chanh chỉ hiện lên khi được chiếu ánh sáng UV hoặc hơ lửa.

Mực vô hình từ nước chanh chỉ hiện lên khi được chiếu ánh sáng UV hoặc hơ lửa.

Cuối năm 1915, MI6 - Cục Tình báo Đối ngoại Anh còn chế ra một loại mực tàng hình từ chất liệu siêu dị mà có lẽ bạn không bao giờ tưởng tượng ra được.

Cụ thể, cơ quan này đã nghiên cứu chế tạo ra mực vô hình từ... tinh dịch của đàn ông. Vào thời điểm đó, không một chất hóa học thông thường nào có thể phát hiện ra chữ viết từ loại mực này, kể cả i-ốt.


Cuối năm 1915, MI6 đã nghiên cứu chế tạo ra mực vô hình từ... tinh dịch của đàn ông

Cuối năm 1915, MI6 đã nghiên cứu chế tạo ra mực vô hình từ... tinh dịch của đàn ông

Ngày nay, trước sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, nhiều tổ chức, hội kín đã khám phá ra việc sử dụng muối ăn làm mực tàng hình để viết mật thư.

Muối được pha với nước lọc để tạo nên một dung dịch muối đặc. Loại mực này vô hình và khi viết lên giấy rất khó để bạn phát hiện ra điều bất thường. Tuy nhiên, khi nhúng bức thư vào dung dịch bạc nitrat (AgNO3), mật thư sẽ hiện lên.

Lý giải cho hiện tượng này, đó là do bản thân muối ăn chứa các ion clorua (Cl-), khi ngâm trong dung dịch muối bạc, sẽ xảy ra phản ứng hóa học, tạo nên kết tủa bạc clorua (AgCl) trắng.


Mực tàng hình bằng muối ăn sẽ hiện lên khi nhúng vào dung dịch bạc nitrat (AgNO3).

Mực tàng hình bằng muối ăn sẽ hiện lên khi nhúng vào dung dịch bạc nitrat (AgNO3).

Bên cạnh đó,một số chất liệu “tàng hình”, trong suốt khác nhau cũng được nhiều người sử dụng để viết mật thư. Bức thư bí ẩn viết trên nylon trong vụ scandal của Hoa hậu Phương Nga mới đây là một ví dụ.


Bức thư bí ẩn được viết trên nylon trong suốt liên quan đến scandal của Hoa hậu Phương Nga.

Bức thư bí ẩn được viết trên nylon trong suốt liên quan đến scandal của Hoa hậu Phương Nga.

Theo lời khai của bị cáo Thùy Dung, cô đã sử dụng những miếng nhựa mài nhọn và viết những thông tin mật lên một mảnh nylon trong suốt. Mật thư này bình thường rất khó có thể phát hiện ra nhưng khi giơ lên ánh sáng, những dòng chữ trong thư sẽ hiện ra trước mắt.


Mật thư viết trên nylon sẽ hiện ra rõ hơn khi giơ miếng nylon ra chỗ có ánh sáng.

Mật thư viết trên nylon sẽ hiện ra rõ hơn khi giơ miếng nylon ra chỗ có ánh sáng.

Ẩn nội dung

Có thể nói đây là chiêu thức viết mật thư phức tạp hơn rất nhiều so với cách dùng mực tàng hình, bởi dù bức thư có sờ sờ ngay trước mắt bạn cũng không dễ dàng gì có thể hiểu được.

Những người viết mật thư khi sử dụng phương pháp này sẽ mã hóa và che giấu Bạch văn bằng hệ thống các ký hiệu, mật mã, hệ thống tượng hình hay thậm chí là bằng các thông tin giả như các đoạn thơ, bài hát…


Bí ẩn về mật thư trên chiếc đĩa Phaistos nổi tiếng với hệ thống tượng hình khó hiểu.

Bí ẩn về mật thư trên chiếc đĩa Phaistos nổi tiếng với hệ thống tượng hình khó hiểu.

Vì vậy, muốn giải được mật thư được ẩn nội dung này, người nhận phải hiểu được các quy ước mã hóa, hệ thống mã hóa mà người gửi sử dụng, hoặc phải tìm ra những ẩn ý trong các đoạn thơ, bài hát… để hiểu được thông điệp mà người viết giấu trong những thông tin giả đó.

Một số hệ thống mã hóa mật thư có thể kể đến như:

Hệ thống thay thế: Văn bản được mã hóa bằng cách thay thế bởi những chữ, số, kí hiệu riêng (bao gồm cả âm thanh, hình ảnh,…) theo một hệ thống.

Ví dụ: các mẫu tự được thay thế bằng số

A B C D E F G H I J K ………..

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 ………..

Khi đó: 4, 4, 9/7, 1, 1, 16, 19 = DDI GAAPS = ĐI GẤP

Hệ thống hoán chuyển: các chữ trong Bạch văn được sắp xếp lại theo một quy tắc nhất định. Điểm khác nhau cơ bản giữa hệ thống thay thế và dời chỗ (hoán chuyển) là việc thay thế sẽ làm thay đổi các “giá trị” của mỗi chữ trong Bạch văn mà không thay đổi vị trí của chúng, còn dời chỗ thì ngược lại.

Ví dụ: Code: TMNHRIILO-AJGIGARAZ

Chuyền vị trí các ký tự bằng cách ghép chữ cái đầu về này với chữ cái đầu vế kia, chữ thứ 2 với chữ thứ 2… ta được => TAMJ NGHIR GIAIR LAO = TẠM NGHỈ GIẢI LAO

Hệ thống tượng hình: chiêu thức này sử dụng những ký hiệu tượng hình để biểu đạt các chữ cái, nội dung… vì vậy đòi hỏi người gửi và người nhận phải có những quy ước chung để hiểu mật thư.

Khánh Duy (Tổng hợp)