Em bé đầu tiên trên thế giới sinh ra bằng kỹ thuật “3 bố mẹ”

(Dân trí) - Tạp chí New Scientist mới đây đã tiết lộ về một bé trai 5 tháng tuổi là em bé đầu tiên được sinh ra bằng một kỹ thuật mới cho phép kết hợp ADN từ 3 người. Dusko Ilic từ Đại học King’s College London không phải thành viên của hoạt động này đã đánh giá “Đây là một tin tuyệt vời và là một sự bàn bạc rất lớn. Đó là một cuộc cách mạng”.

Kỹ thuật gây tranh cãi này chỉ được chấp nhận một cách hợp pháp ở Anh, nó cho phép những phụ huynh có các đột biến di truyền hiếm gặp có thể có được một đứa trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu về phôi thai, sự ra đời của em bé có bố mẹ là người Jordan và được điều trị bởi một nhóm nghiên cứu của các chuyên gia từ Mỹ đóng trụ sở ở Mexico này sẽ thúc đẩy một bước tiến lớn trên toàn thế giới.

Hai người phụ nữ, một người đàn ông và một đứa trẻ

Một cặp vợ chồng người Jordan đã cố gắng để có được một gia đình hoàn chỉnh trong gần 20 năm. 10 năm sau khi kết hôn, người vợ đã có mang, tuy nhiên bà đã bị sảy thai và đó là lần đầu tiên trong 4 lần sảy thai.

Năm 2005, hai người đã sinh được một bé gái. Đó cũng là lúc họ phát hiện ra nguyên nhân có thể gây ra các vấn đề với việc sinh con của mình: một biến đổi gen trong ty thể của người mẹ. Con gái đầu lòng của họ sinh ra bị mắc hội chứng Leigh, hội chứng này ảnh hưởng đến não, cơ bắp và hệ thần kinh của trẻ đang lớn. Thật đáng buồn khi bé gái đó đã qua đời lúc được 6 tuổi. Đứa con thứ hai của cặp vợ chồng này cũng gặp phải chứng rối loạn tương tự và chỉ sống trong 8 tháng.

Bằng kỹ thuật “em bé có 3 bố mẹ” còn đang gây nhiều tranh cãi, một cậu bé đã được sinh ra vào ngày 6/4/2016 và không hề có dấu hiệu bệnh tật nào.

Mẹ của cậu bé mang gen mắc hội chứng Leigh – một loại rối loạn nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh. Các gen mang bệnh cư trú trong ADN trong ty thể - nơi cung cấp năng lượng cho tế bào và chỉ mang 37 gen sau đó sẽ truyền từ cơ thể mẹ sang con. Điều này tách biệt với phần lớn ADN cư ngụ trong nhân tế bào của chúng ta.

Khoảng một phần tư ty thể của bà mẹ này có những đột biến gây bệnh. Trong khi bà hoàn toàn khỏe mạnh thì hội chứng Leigh đã gây ra cái chết cho 2 đứa con đầu tiên của mình. Cặp vợ chồng này đã tìm đến sự giúp đỡ của John Zhang và các đồng nghiệp của ông ở Trung tâm sinh sản New Hope Fertility Center, New York.

John Zhang đang ẵm em bé
John Zhang đang ẵm em bé

Zhang đã sử dụng công nghệ có tên gọi là “3 bố mẹ” để tránh các bệnh của ty thể. Về mặt lý thuyết, có một số cách để làm điều này. Phương pháp được chấp nhận ở Anh được gọi là chuyển giao tiền nhân có liên quan đến việc thụ tinh bằng cả trứng của người mẹ và trứng của người hiến tặng, cùng với tinh trùng của người cha. Trước khi trứng đã thụ tinh bắt đầu phân chia thành phôi thai giai đoạn đầu, mỗi nhân tế bào đều được lấy ra. Các nhân lấy từ trứng của người hiến tặng đã được thụ tinh sẽ được loại bỏ và thay thế bởi trứng đã được thụ tinh của người mẹ.

Nhưng kỹ thuật này không phù hợp với những cặp đôi người Hồi giáo, vì họ phản đối sự phá hủy phôi thai. Vì vậy, Zhang đã tiếp cận theo một cách khác, được gọi là chuyển nhân thoi. Trước hết, ông đã loại bỏ nhân ở trứng của người hiến tặng và sau đó lấy nhân từ trứng của người mẹ chèn vào trứng của người hiến tặng. Trứng “mới” này – với nhân mang ADN của người mẹ và ty thể mang ADN của người hiến tặng – sau đó sẽ được thụ tinh với tinh trùng của người bố.

Nhóm của Zhang đã sử dụng phương pháp này để tạo ra 5 phôi thai, và chỉ có 1 trong số đó phát triển bình thường. Phôi thai này được cấy vào cơ thể người mẹ và đứa trẻ được sinh ra 9 tháng sau đó. Bert Smeets từ Đại học Masstricht, Hà Lan phát biểu “Đây là một tin tức rất kích động”. Nhóm nghiên cứu này sẽ mô tả về thành tựu của nhóm tại Hội nghị khoa học của Hiệp hội Y học sinh sản Hoa Kỳ tổ chức ở Salt Lake vào tháng 10.

Phương pháp này không được chấp nhận ở Mỹ, nên Zhang đã đến Mexico để thực hiện. Ông kiên quyết rằng mình đã lựa chọn đúng , ông nói “ở Mexico không có luật lệ nào cả” và “Cứu người là một hành động đạo đức nên làm”.

Theo Sian Harding, người xem xét các vấn đề đạo đức của các thủ tục tại Anh cho rằng “nhóm các nhà nghiên cứu này dường như đã thực hiện một bước tiếp cận đạo đức bằng kỹ thuật của họ. Họ đã tránh việc phá hủy các phôi thai, và sử dụng một phôi thai nam, vì thế đứa trẻ được sinh ra sẽ không chuyển tiếp bất cứ ADN ty thể được thừa kế nào. Harding cho rằng “điều này cũng tốt như, hoặc thậm chí tốt hơn những gì chúng tôi đang làm ở nước Anh”

An toàn là mối quan tâm còn lại. Lần cuối cùng các nhà nghiên cứu về phôi thai cố gắng tạo ra một đứa bé từ ADN của ba người là trong những năm 1990, khi họ tiêm ADN ty thể từ người hiến tặng vào trứng của người phụ nữ khác, cùng với tinh trùng của người chồng. Một số đứa trẻ đã phát triển các rối loạn về di truyền, và kỹ thuật này đã bị cấm. Vấn đề này cũng có thể nảy sinh đối với những đứa trẻ có ty thể từ 2 nguồn khác nhau.

Khi Zhang và các đồng nghiệp của mình kiểm tra ty thể của đứa bé, họ thấy rằng tỷ lệ mang đột biến là dưới 1%. Hy vọng rằng tỷ lệ này là quá nhỏ để có thể gây ra bất cứ vấn đề gì, nói chung phải có khoảng 18% ty thể bị ảnh hưởng thì các vấn đề mới bắt đầu. Ilics đánh giá “tỷ lệ này rất tốt”.

Smeets cũng đồng ý như vậy, nhưng ông cũng cảnh báo rằng nhóm nghiên cứu cần theo dõi đứa trẻ để đảm bảo rằng tỷ lệ này nằm ở mức thấp. Ông cho rằng ty thể bị lỗi có thể tốt hơn khi phiên mẫu và dần dần tăng lên về số lượng. “Chúng ta cần chờ đợi nhiều lần sinh như vậy hơn nữa, và đánh giá chúng một cách cẩn thận”

Việc chuyển giao ty thể đã được hợp thức hóa ở Anh từ năm 2015, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một quốc gia nào khác đưa ra các điều luật cho phép thực hiện kỹ thuật này. Phương pháp này nhằm vào các bậc cha mẹ có nguy cơ cao truyền lại các bệnh làm suy nhược và thậm chí là các bệnh về di truyền gây tử vong cho con của họ.

Anh Thư (Theo Newscientist)