ĐH Đà Nẵng mở cửa không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế

(Dân trí) - Chiều 11/8, Không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế tại ĐH Đà Nẵng đã chính thức hoạt động.

Không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế vừa chính thức hoạt động tại ĐH Đà Nẵng
Không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế vừa chính thức hoạt động tại ĐH Đà Nẵng

Đây là công trình do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp ĐH Bang Arizona, ĐH Đà Nẵng và Fablab Đà Nẵng xây dựng; và là một phần quan trọng trong Dự án “Xây dựng liên minh trường học và doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ” (BUILD - IT) của USAID.

Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp ĐH Bang Arizona, ĐH Đà Nẵng và Fablab Đà Nẵng xây dựng công trình mới hoạt động ở ĐH Đà Nẵng
Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp ĐH Bang Arizona, ĐH Đà Nẵng và Fablab Đà Nẵng xây dựng công trình mới hoạt động ở ĐH Đà Nẵng

Với các trang thiết bị, máy móc, vật tư hỗ trợ thí nghiệm, nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, đổi mới và phát triển các năng lực cần thiết trong không gian này, sinh viên và giảng viên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có thể chia sẻ ý tưởng, thiết kế, xây dựng và phát triển các sản phẩm mới.

Một góc không gian trang bị sẵn các máy móc, vật tư phục vụ giảng viên, sinh viên lĩnh vực khoa học và công nghệ thực hành, sáng chế sản phẩm mới
Một góc không gian trang bị sẵn các máy móc, vật tư phục vụ giảng viên, sinh viên lĩnh vực khoa học và công nghệ thực hành, sáng chế sản phẩm mới

Tại đây, các giảng viên có thể xây dựng và thực hành các môn học và hội thảo dựa trên ứng dụng dành cho sinh viên. Các sinh viên có môi trường thực hành, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, sáng tạo, “nhóm lửa” tinh thần khởi nghiệp; cũng như tham gia các cuộc thi dành cho sinh viên ở các khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).

Tham dự lễ khai trương Không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế ở ĐH Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng mang đến một câu chuyện thú vị. Ông kể lại thời điểm cách đây hơn 30 năm, trong hoàn cảnh không phải nhà nào cũng có điều kiện sắm một chiếc máy radio ông và các bạn học cũng chuyên ngành kỹ thuật đã rất vất vả khi tìm kiếm các linh kiện, máy móc để có thể tự chế thiết bị tiếp sóng đài tiếng nói Việt Nam.

“Chúng tôi đã học theo hướng dẫn tự làm thiết bị trên báo Khoa học và Đời sống khi ấy. Đi rất nhiều ngõ ngách tìm kiếm linh kiện, từ những nhà có máy cũ đã hư hỏng, hay ở các xưởng; rồi làm đi làm lại nhiều lần mới được” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng kể lại vất vả khi tìm cách tự làm thiết bị tiếp sóng đài tiếng nói.

Từ câu chuyện của mình, Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ kỳ vọng với những trang thiết bị, máy móc, điều kiện vô cũng thuận lợi sẵn có ở Không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế vừa chính thức đi vào hoạt động này, các giảng viên, và đặc biệt là sinh viên khối ngành STEM có thể thỏa sức học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ ý tưởng và biến ý tưởng của mình thành hiện thức với những sản phẩm mới có tính ứng dụng cao, có ích cho đời sống.

Khánh Hiền