Cua dừa là loài có sức kẹp mạnh nhất trên thế giới

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới phát hiện rằng, loài cua dừa vụng về lại chính là loài có sức kẹp mạnh hơn bất cứ động vật nào khác.

Nghiên cứu mới phát hiện, tính theo khối lượng cơ thể thì cua dừa (Birgus latro) là loài động vật có sức kẹp mạnh nhất trong số các loài động vật.(Ảnh: Shin ichiro Oka)
Nghiên cứu mới phát hiện, tính theo khối lượng cơ thể thì cua dừa (Birgus latro) là loài động vật có sức kẹp mạnh nhất trong số các loài động vật.(Ảnh: Shin ichiro Oka)

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS ONE, trong thực tế, càng của loài giáp xác này chụp đóng khó hơn hầu hết các động vật có thể cắn – ngoại trừ cá sấu.

Shin-ichiro Oka – trưởng nhóm nghiên cứu ở phòng thí nghiệm động vật học tại Trung tâm Nghiên cứu Churashima của Nhật Bản – và các đồng nghiệp cho biết: trong quá trình thực hiện nghiên cứu này, việc thu thập dữ liệu để phân tích là một thách thức lớn, vì những chiếc càng to lớn của loài cua này đã kẹp các nhà nghiên cứu rất nhiều lần.

Tuy nhiên, Oka và các đồng nghiệp vẫn kiên trì, và họ đã bắt 29 con cua dừa ở bắc Okinawa để cân và đo kích thước. Cua dừa (Birgus lastro) là loài giáp xác sống trên cạn lớn nhất. Nó có họ hàng với loài ốc mượn hồn – chúng có chung tổ tiên từ hơn 2 triệu năm trước. Mặc dù vậy, không giống với ốc mượn hồn, cua dừa không cần mượn một chiếc vỏ để bảo vệ, cơ thể của nó đã bị vôi hóa và cứng ở phía bên ngoài.

Cua dừa được tìm thấy dọc theo các đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Con vật này có thể nặng tới khoảng 4kg và có thể dùng những chiếc càng ấn tượng của mình để mở quả dừa.

Trong tất cả các loài động vật, thì các loài giáp xác có mười chân, bao gồm: cua, tôm hùm và tôm – có thể tạo ra sức mạnh lớn nhất tính theo khối lượng cơ thể bằng những chiếc càng của chúng. Tuy nhiên, chưa có ai từng thử nghiệm sức mạnh của một con cua dừa có trọng lượng lớn.

Cua dừa còn có thể trèo cây
Cua dừa còn có thể trèo cây

Những con cua dừa khổng lồ này thậm chí còn có thể trèo lên cây và các bề mặt thẳng đứng khác bằng những đôi chân mạnh mẽ của mình. Và những chiếc càng đồ sộ của chúng còn có thể nghiền nát hạt, trái cây và thậm chí là cả phần lõi xốp của các cây bị đổ để ăn.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị cảm biến bằng thép không gỉ để kiểm tra mức độ kẹp chặt của 29 con cua đã bắt được. Kết quả cho thấy, sức kẹp chặt tối đa nằm trong khoảng từ 29,4N tới 1765,2N.

Để so sánh, theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B năm 2010 thì 1 phát cắn của con người có thể tạo ra 1 lực lên tới 1.300N ở răng hàm.

Những kỳ công của sức mạnh

Tất nhiên là con người lớn hơn nhiều so với cua dừa. Chính kích thước cơ thể đã xác định sức mạnh những chiếc càng của loài cua này. Oka và các đồng nghiệp đã phát hiện rằng: con cua càng lớn thì sức kẹp càng khỏe. Nếu một con cua dừa lớn nhất có trọng lượng khoảng 4kg, thì các nhà khoa học tính rằng nó có thể tạo ra một lực kẹp mạnh tới 3.300N – lớn hơn bất kỳ loài giáp xác nào khác.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận, tính trên cơ sở khối lượng cơ thể, sức mạnh này vượt quá sức mạnh bất kỳ loại động vật nào có thể tạo ra, kể cả cá sấu. Cua dừa là loài sống đơn lẻ và rất hiếu chiến, chúng thường gây chiến với các con cua dừa khác và với những kẻ săn mồi và đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Bởi vì không bị giới hạn bởi kích thước vỏ giống như loài họ hàng ốc mượn hồn của mình, cua dừa có thể tự do phát triển cơ thể và móng vuốt đặc biệt lớn.

Anh Thư (Tổng hợp)