Công bố Chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt Quản Bạ

(Dân trí) - Hồng không hạt Quản Bạ trở thành sản phẩm thứ 56 trong cả nước được xác lập và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 3 của tỉnh Hà Giang sau mật ong Mèo Vạc và cam sành Hà Giang, đưa Hà Giang trở thành địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất của Việt Nam.

Chiều ngày 22/9, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với UBND huyện Quản Bạ công bố chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” cho sản phẩm Hồng không hạt, Hà Giang.

Tham dự Lễ công bố có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung uơng Đảng, Bộ truởng Bộ KH&CN; đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung uơng Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Hà Giang; đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch thuờng trực UBND tỉnh Hà Giang; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan tại trung ương và địa phuơng.


Cục truởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí trao Văn bằng chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt Quản Bạ cho lãnh đạo UBND Quản Bạ

Cục truởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí trao Văn bằng chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt Quản Bạ cho lãnh đạo UBND Quản Bạ

Chỉ dẫn địa lý Quản Bạ cho sản phẩm hồng không hạt của huyện Quản Bạ được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý số 00056 vào ngày 5/7/2017. Khu vực địa lý bảo hộ chỉ dẫn địa lý Quản Bạ cho giống Hồng không hạt bao gồm: Thị trấn Tam Sơn, xã Nghĩa Thuận, xã Thanh Vân, xã Bát Đại Sơn và xã Quản Bạ thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Chỉ dẫn địa lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người sản xuất hồng không hạt tại Quản Bạ, là công cụ để tiếp cận, quảng bá sản phẩm trên thị trường theo phương thức mới cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” cho sản phẩm hồng không hạt của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang sẽ tạo cơ hội phát triển bền vững sản phẩm, tạo điều kiện tiếp thị và thâm nhập nhiều thị trường trong nước và khu vực.

Địa danh Quản Bạ gắn với hình ảnh Núi đôi Quản Bạ, với vẻ đẹp đầy sức sống và trái cây nổi tiếng hồng không hạt - loại trái cây ngọt lành đã trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang. Hồng không hạt “Quản Bạ” đó có từ rất lâu đời, hiện nay vẫn còn có những cây hồng khoảng trên 300 năm tuổi tại xã Nghĩa Thuận. Sự thơm ngon nức tiếng của loại quả này được tạo thành nhờ các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý Quản Bạ. Cụ thể, Quản Bạ có độ cao trung bình trên 1.000 mét so với mực nước biển, địa hình khá bằng phẳng, có nơi có độ dốc dưới 20o, tầng đất dày, ít bị xói mòn. Khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm nên hồng không hạt cho chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định.

Khác với giống hồng không hạt ở các địa phương khác, hồng không hạt tại Quản Bạ (Hà Giang) là giống bản địa, đã được trồng từ lâu đời bởi đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Bố Y...) bảo tồn và phát triển. Hồng không hạt Quản Bạ có một số tính chất, chất lượng đặc thù so với các sản phẩm cùng loại như: Thịt quả giòn, ngọt, thơm, nhiều bột mịn; quả to, vỏ quả cứng, thịt chắc rất dễ bảo quản và vận chuyển.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: “Chỉ dẫn địa lý Quản Bạ cho sản phẩm hồng không hạt là sự ghi nhận của Nhà nước đối với một đặc sản của tỉnh Hà Giang, một sản phẩm được người dân sản xuất trên khu vực địa lý thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn. Chỉ dẫn địa lý sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp, người dân nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng”.


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi công bố.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi công bố.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thì trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp.

Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tổ chức sản xuất, thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh theo luật chơi của quá trình hội nhập, do đó cần sự thay đổi và thích ứng mạnh mẽ để đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc đẩy mạnh bảo hộ quyền SHTT sẽ giúp các sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng nâng cao giá trị và khả năng tiếp cận thị trường.


Bộ truởng Chu Ngọc Anh thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm Hồng không hạt Quản Bạ được Chỉ dẫn địa lý.

Bộ truởng Chu Ngọc Anh thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm Hồng không hạt Quản Bạ được Chỉ dẫn địa lý.

Phát biểu tại buổi Lễ, Đồng chí Nguyễn Minh Tiến cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ KH&CN trong việc xây dựng và đăng ký bảo hộ các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của tỉnh Hà Giang nói chung và chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt Quản Bạ nói riêng. Đồng chí giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang và huyện Quản Bạ thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nuớc để duy trì danh tiếng và chất lượng của sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ và khẳng định việc hồng không hạt được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là cơ hội để nâng cao chất lượng đời sống của bà con trong khu vực địa lý được bảo hộ.

Mai Hà