Con ngao 500 tuổi tiết lộ bằng chứng “cực kỳ đáng lo ngại” về biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Những chiếc vỏ ngao Quahog cho phép các nhà khoa học đo được lượng hóa chất trong đại dương chính xác hơn bao giờ hết

Ngao quahog, còn được biết đến là loài ngao có vỏ cứng, có tên khoa học là mercenaria mercenaria
Ngao quahog, còn được biết đến là loài ngao có vỏ cứng, có tên khoa học là mercenaria mercenaria

Những hậu quả đáng lo ngại về biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học phát hiện ra khi nghiên cứu loài động vật sống lâu nhất trên thế giới – loài ngao biển quahog.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra vòng tăng trưởng trên vỏ của loài động vật thân mềm có thể sống tới hơn 500 năm này, và phát hiện ra chi tiết về sự thay đổi đáng kể trong tương tác giữa Bắc Đại Tây Dương và bầu khí quyển.

Trước khi thời kỳ công nghiệp bắt đầu khoảng 200 năm trước, các biến động khí quyển được tạo ra bởi những thay đổi tự nhiên trong đại dương, được thúc đẩy bởi các vụ phun trào núi lửa và bức xạ mặt trời.

Nhưng theo một nhóm các nhà sinh học quốc tế, kể từ khi con người bắt đầu phát ra một lượng khí nhà kính lớn trong quá trình công nghiệp hóa, một sự thay đổi đáng kể đã diễn ra và những thay đổi ở đại dương hiện nay đang được tạo ra do bầu khí quyển.

Giáo sư Ian Hall – trưởng khoa Khoa học Trái đất và Đại dương của Đại học Cardiff, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết rằng loài ngao đã tạo ra một bức tranh về lịch sử của đại dương trên trái đất trong thiên niên kỷ vừa qua.

Ông cho biết “loài ngao cũng giống như vòng tăng trưởng ở cây, chúng phát triển và đưa ra các dải tăng trưởng hàng năm. Vòng tăng trưởng ở cây được nối lại với nhau để cung cấp toàn bộ các biên niên đại, vì thế, bạn có thể dựa vào đó để tái tạo lại nhiệt độ (trên đất liền)”. Trước đây, các nhà khoa học không đủ khả năng để làm điều đó với đại dương.

Giáo sư Hall cho rằng khí quyển và các đại dương được “liên kết mật thiết” với nhau vì chúng đều lưu chuyển nhiệt trên khắp hành tinh.

Trong thời kỳ tiền công nghiệp, các đại dương trên Trái đất “đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự biến đổi khí hậu khí quyển”, nhưng dường như “đã có sự chuyển đổi trong mối quan hệ đó”

Các vỏ ngao được nghiên cứu cho thấy, từ năm 1800, thay đổi trong các đại dương trên thế giới không còn đi trước những thay đổi trong bầu khí quyển nữa, thay vì thế lại diễn ra cùng lúc hoặc tụt lại phía sau.

Tiến sĩ David Reynolds, công tác tại khoa Khoa học Trái đất và Đại dương của Đại học Cardiff, và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, biến đổi năng lượng mặt trời và phun trào núi lửa đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi ở các đại dương trong 1000 năm qua”

Theo giáo sư Hall, “bầu khí quyển đang nóng lên nhanh hơn rất nhiều và thúc đẩy sự biến đổi ở đại dương”. Đây là nguyên nhân phải quan tâm đến việc “biến đổi khí hậu do con người gây ra thực sự đáng lo ngại”. Và nghiên cứu này có thể giúp mô phỏng chính xác và dự đoán biến đổi khí hậu trong tương lai dễ dàng hơn.

Trong nghiên cứu được dẫn đầu bởi Đại học Cardiff và Đại học Bangor này, các nhà sinh học đã thu thập cả các con ngao quahog còn sống và đã hóa thạch ở một khu vực phía bắc Iceland.

Họ đã nghiên cứu thành phần hóa học trong các vòng tăng trưởng cho tổng khoảng thời gian kéo dài tới 1000 năm của 21 chiếc vỏ ngao để đo lường các chất hóa học trong đại dương trong một khung thời gian chính xác hơn bao giờ hết. Từ đó, họ xây dựng lại lịch sử biến đổi của đại dương trong vòng 1000 năm qua và so sánh với các hồ sơ về biến đổi của năng lượng mặt trời, hoạt động núi lửa và nhiệt độ không khí để có được một “bức tranh lớn hơn” về biến đổi khí hậu.

Bức ảnh duy nhất về con ngao biển quahog Ming – con vật sống lâu nhất được biết tới nay
Bức ảnh duy nhất về con ngao biển quahog Ming – con vật sống lâu nhất được biết tới nay

Một nghiên cứu khác về biến đổi khí hậu được công bố tuần trước cũng cho thấy sự nóng lên toàn cầu sẽ vượt quá “điểm vãn hồi” và tuyên bố các tác động đầy đủ của sự nóng lên toàn cầu đã bị đánh giá thấp do các nhà khoa học đã không tính đến nguồn chính của các-bon trong môi trường.

Báo cáo cũng được công bố trên tạp chí Nature này cho biết, tới năm 2050, nhiệt độ sẽ tăng lên 1 độ C – đúng như phát hiện mà Liên Hiệp Quốc đã thông qua.

Trong năm 2013, một con ngao quahog được gọi là Ming – được cho là động vật sống lâu nhất trên thế giới với 507 tuổi – đã bị các nhà khoa học giết để nghiên cứu xem nó bao nhiêu tuổi.

Anh Thư (Tổng hợp)