Chế độ ăn tốt nhất để giảm bớt tác động lên môi trường

(Dân trí) - Đảm bảo đầy đủ lương thực cho dân số trên toàn thế giới không hề dễ dàng, và hơn hết, có ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Theo các nhà khoa học, ăn chay sẽ giúp giảm bớt tác động của ta lên môi trường.

Chế độ ăn tốt nhất để giảm bớt tác động lên môi trường - 1

Cung cấp lương thực cho 7,5 tỉ người trên thế giới không phải là việc dễ dàng. Khoảng 570 triệu trang trại – mỗi trang trại có chiến lược riêng trong việc sử dụng đất, đóng gói bao bì, vận chuyển, kích cỡ, và sản phẩm – đảm nhận việc đáp ứng các nhu cầu về chế độ ăn uống. Nhưng chế độ ăn nào có tác động ít nhất tới hành tinh của chúng ta?

Các nhà khoa học cho biết nếu bạn muốn cứu hành tinh này, hãy ăn chay.

Nhà nghiên cứu chính Joseph Poore đến từ Đại học Oxford, Vương quốc Anh, phát biểu với tờ The Guardian: “Một chế độ ăn chay có khả năng là phương pháp hữu hiệu duy nhất để giảm bớt tác động của bạn lên Trái Đất, không chỉ khí nhà kính, mà cả sự axit hóa toàn cầu, sự phì dưỡng, việc sử dụng đất và sử dụng nước”.

Để xác định tác động của nông nghiệp, các nhà nghiên cứu tại Oxford đã biên soạn một cơ sở dữ liệu thiết thực về việc chế độ ăn đang gây hại tới trái đất như thế nào bằng việc phân tích gần 40.000 trang trai ở hơn 100 quốc gia sản xuất 90% lượng lương thực trên toàn thế giới. Từ trang trại tới bàn ăn, họ so sánh những sản phẩm khác nhau về lượng thải khí nhà kính, việc sử dụng đất và nước, sự axit hóa đại dương, và ô nhiễm nước.

Theo dữ liệu được đăng trên Science, tránh ăn thịt và sữa là cách tốt nhất để giảm tác động tới môi trường.

Không ăn thịt và sữa, đất nông nghiệp toàn cầu có thể giảm hơn 75% và vẫn cung cấp lương thực được cho dân số toàn cầu. Tác động của những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật bền vững nhất cũng vượt xa sản phẩm từ rau củ và nông sản. Ví dụ, gia súc cung cấp 18% calo và 37% protein trên toàn thế giới, nhưng chiếm 83% đất nông nghiệp trong khi sản sinh ra 60% lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp.

Không chỉ là loại thực phẩm được sản xuất và tiêu thụ, mà còn là nơi chúng được sản xuất và chúng được sản xuất như thế nào. Bò được nuôi ở vùng đất phát quang tạo ra gấp 12 lần lượng khí nhà kính và sử dụng gấp 50 lần diện tích đất so với thả rông ở một bãi cỏ phù hợp hơn – tác động này có thể thay đổi 50 lần chỉ với cùng sản phẩm. Từng được cho là nguồn thực phẩm thay thế bền vững, việc canh tác cá nước ngọt cũng đang chứng tỏ là có hại với môi trường. Rác thải và thức ăn thừa thả xuống đáy hồ nuôi cá, khiến nó trở thành “môi trường lí tưởng cho việc sản sinh khí metan”.

Cũng không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả. Nhà nghiên cứu Poore cho biết việc xác định các phương pháp để giảm thiểu tác động của chúng ta sẽ có rất nhiều hình thức. Bắt đầu từ trên tầng chót, ông tin rằng các nhà hoạch định chính sách nên khích lệ các nhà sản xuất đáp ứng mục tiêu môi trường và thực hành bền vững trong những môi trường phù hợp. Những nhà sản xuất này cần giám sát tác động của họ với môi trường và chia sẻ cho người tiêu dùng để họ có thể đưa ra những quyết định có hiểu biết về chế độ ăn của mình.

Lộc Xuân (Theo IFLScience)