Cảnh báo khả năng đất có thể trở thành một nguồn phát thải CO2 mạnh mẽ

(Dân trí) - Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, trong thế kỷ tới, nếu con người tiếp tục sử dụng và làm biến đổi đất theo cách như hiện nay, thì đất sẽ hạn chế về khả năng chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và trở thành một nguồn thải khí CO2 vào trong khí quyển.

Cảnh báo khả năng đất có thể trở thành một nguồn phát thải CO2 mạnh mẽ - 1

Theo dự báo, ở Pháp, ¼ lượng khí thải cacbon trong đất sẽ thải vào khí quyển trong 100 năm tới, khiến cho đất trở thành một nguồn phát thải CO2. Hiện nay, đất được coi là nơi hấp thụ CO2 và phần nào chống lại tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Các chuyên gia đến từ Trường Đại học Exeter (Anh), Viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nâng cao tính toán khoa học châu Âu (CERFACS) (Pháp) và Trường Đại học Leuven (Bỉ) cho rằng tốc độ và bản chất của biến đổi khí hậu theo dự báo trong thế kỷ tới, sẽ làm giảm khả năng lưu trữ cacbon của đất.

Nếu đất bị thất thoát khối lượng lớn cacbon, thì khả năng sản xuất lương thực và tích trữ nước của đất sẽ giảm. Hậu quả là xói mòn đất và thiệt hại do lũ gia tăng. Đây là những dự báo mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra cho thế kỷ 21, bằng cách kết hợp các mô hình cacbon trong đất và thay đổi trong sử dụng đất với các dự báo về biến đổi khí hậu cho trường hợp nghiên cứu là Pháp. Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết diện tích đất đang được sử dụng, sẽ bị thất thoát khối lượng lớn cacbon vào năm 2100. Chỉ có chuyển đổi đất thành đồng cỏ hoặc rừng mới giúp đất tích trữ nhiều cacbon hơn. Tuy nhiên, những thay đổi trong sử dụng đất theo hướng này lại không thể thực hiện được trên quy mô lớn vì sự phát triển của đô thị và hoạt động sản xuất lương thực gây áp lực đến tài nguyên đất.

Tác giả chính của nghiên cứu, TS. Jeroen Meersmans đến từ Trường Đại học Exeter, cho biết: "Việc giảm lượng khí CO2 do con người tạo ra, là rất quan trọng để ngăn chặn hiện tượng thất thoát cacbon từ đất. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thay đổi và quản lý sử dụng đất góp phần cô lập cacbon trong đất, vẫn cần cho chiến lược tổng thể bảo vệ các chức năng của đất và giảm thiếu biến đổi khí hậu”.

Đồng tác giả nghiên cứu, TS. Dominique Arrouays tại INRA cho rằng: "Sử dụng đất có mục đích và những thay đổi trong phương thức nông nghiệp là cần thiết nếu muốn tăng tối đa lợi ích của việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Vì vậy, những nỗ lực để tăng cường cô lập cácbon trong đất như đề xuất của Pháp tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2015 (COP21), nên được đẩy mạnh ngay tức thì”.

N.P.D-NASATI (Theo Phys)