Các nhà khoa học phát hiện rừng hóa thạch 280 triệu năm tuổi ở Nam Cực

(Dân trí) - Các nhà địa chất học đã phát hiện hóa thạch cây 280 triệu năm tuổi ở Nam Cực - được cho là bằng chứng về khu rừng cổ nhất ở Nam Cực. Các cây này được tin là đã sống qua những thời kỳ khí hậu cực đoan với bóng tối hoàn toàn và ánh sáng mặt trời liên tục.

Các nhà khoa học phát hiện rừng hóa thạch 280 triệu năm tuổi ở Nam Cực - 1

Giáo sư Erik Gulbranson và John Isbell từ Đại học Wisconsin-Milwaukee đã băng qua dãy núi Transantarctic trong mùa hè của Nam Cực vào từ tháng 11 đến tháng 1. Họ tìm thấy những mẫu vật cổ xưa trong các tảng đá nơi mà một cánh rừng có thể đã từng mọc.

Trước đó, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những mảnh hóa thạch của 13 cây mà họ ước tính đã hơn 260 triệu năm tuổi. Điều này có nghĩa là khu rừng đã phát triển trước khi những con khủng long đầu tiên xuất hiện vào cuối thời kỳ Permian.

Lần này, nhóm nghiên cứu đã trở lại các vùng đất này một lần nữa để tìm hiểu xem cách cánh rừng này có thể phát triển ở thời đó.

Giáo sư Gulbranson cho hay mọi người đã biết về hóa thạch ở Nam Cực từ khoảng năm 1910 nhưng phần lớn vùng này vẫn chưa được khám phá.

Khu rừng này đã phát triển ở vĩ độ, nơi mà những cây ngày nay không thể mọc lên. Nên ông tin rằng chúng phải là một loài cực kỳ khỏe mạnh. Nhóm nghiên cứu hiện đang cố gắng để hiểu tại sao chúng đã tuyệt chủng.

"Không có gì giống như ngày nay," giáo sư Gulbranson chia sẻ. "Những cây này có thể biến đổi chu kỳ phát triển của chúng như bật và tắt công tắc bóng đèn. Chúng tôi biết rằng cây có thể ngủ đông vào mùa đông ngay lập tức, nhưng không biết chúng đã hoạt động như thế nào trong suốt mùa hè".

Những cây này được cho là đã có thể tồn tại bằng cách sống gần nửa năm trong bóng tối tuyệt đối, tiếp đó là đến năm tháng ánh sáng liên tục.

Trong thời kỳ Permian, Nam Cực ấm hơn nhiều so với hiện nay. Vào thời đó, Nam Cực vẫn là một phần của Gondwana, siêu lục địa của Nam Bán cầu bao gồm vùng Châu Phi, Nam Mỹ, Ả rập, Ấn Độ và Úc.

Các nhà địa chất học tin rằng khu rừng được bao phủ bởi rêu và dương xỉ và trải dài khắp toàn bộ Gondwana. Những cây này có thể chuyển từ hoạt động mùa hè sang ngủ đông trong mùa đông nhanh có lẽ chỉ trong vòng một tháng.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với CNN, Giáo sư Gulbranson cho biết việc xác định ngày của hoá thạch là một trong những thách thức lớn nhất của nhóm. Những phát hiện gần đây cho thấy rừng này khoảng 280 triệu năm tuổi, nhưng có sai số khoảng trên dưới 20 triệu năm.

Nghiên cứu mới nhằm mục đích nghiên cứu xem các hệ sinh thái cực này đã thay đổi như thế nào trong suốt sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Permian cách đây 250 triệu năm.

Mặc dù nghiên cứu về nguyên nhân gây ra sự kiện đại tuyệt chủng vẫn đang tiếp diễn, nhiều nhà khoa học tin rằng 90% các loài đã bị xóa sạch khỏi trái đất, bao gồm cả rừng Nam cực này.

Giáo sư Gulbranson cho biết: "Khu rừng sẽ mang lại một cái nhìn thoáng qua về sự sống trước đại tuyệt chủng, có thể giúp chúng ta hiểu nguyên nhân gây ra sự kiện này”. "Nó cũng có thể cung cấp những manh mối về sự khác biệt giữa thực vật ngày nay và trong quá khứ"

Giáo sư cũng cho rằng công trình của mình có thể giúp hiểu được tác động của biến đổi khí hậu đương đại và cho rằng sự ấm lên toàn cầu ngày nay có thể dẫn đến các cánh rừng di chuyển về phía Bắc cực ở những nơi như Bắc cực Siberia và Bắc cực Canada.

Đào Hiền (Theo Independent)